Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất tử với non sông

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Điện Biên Phủ ngày càng khẳng định ý nghĩa của danh xưng Điện Biên trong việc trấn giữ miền biên ải phía Tây của Tổ quốc.

 

Tên gọi Điện Biên xuất hiện từ năm 1841 do vua Thiệu Trị nhà Nguyễn đặt từ châu Ninh Biên. "Điện" nghĩa là vững chãi, "Biên" nghĩa là vùng biên giới, biên ải, "Điện Biên" tức là miền biên cương vững chắc. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Điện Biên Phủ ngày càng khẳng định ý nghĩa của danh xưng Điện Biên trong việc trấn giữ miền biên ải phía Tây của Tổ quốc.

Điện Biên Phủ - vùng đất địa linh nhân kiệt

Lật giở những trang sử hào hùng của mảnh đất Điện Biên, có thể khẳng định đây là miền đất của địa linh nhân kiệt, của những chiến công vang vọng với non sông đất nước.

Theo tài liệu nghiên cứu của Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), dưới thời vua Lê Dụ Tông, năm 1748, vùng Tây Bắc bị giặc Phẻ (nhóm người Tày - Thái ở Thượng Lào và Vân Nam, Trung Quốc) tràn sang xâm lược cướp bóc, giết hại dân lành. Bất bình trước kẻ xâm lược, hai người con dân tộc Thái là Lò Văn Ngải và Lò Văn Khanh cùng đứng lên tập hợp, lãnh đạo nhân dân các dân tộc Mường Thanh chống lại kẻ thù. Nghĩa quân của hai ông đã liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh quân xâm lược, giải phóng Mường Thanh, đem lại cuộc sống ấm no cho dân.

Năm 1758, sau khi chiêu dụ dân chúng ổn định sản xuất, củng cố lực lượng, Tướng quân Hoàng Công Chất cho xây dựng Thành Bản Phủ với kiến trúc 2 thành kiên cố, gồm thành nội và thành ngoại, rộng hơn 80 mẫu đặt tại vị trí trung tâm cánh đồng Mường Thanh; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất đai vùng Tây Bắc. Ông cũng là người có công trong việc truyền bá kiến thức, kỹ thuật trồng trọt của người miền xuôi cho đồng bào các dân tộc nơi đây, là nhân tố tạo ra sự đoàn kết cộng đồng các dân tộc.

Chiến công dậy sóng của thủ lĩnh áo vải Hoàng Công Chất và tướng Ngải, tướng Khanh vừa hợp tròn cách đây 270 năm càng như khẳng định thêm ý nghĩa quan trọng của mảnh đất Mường Then (Mường Thanh).

Bức tranh Panorama lớn nhất Đông Nam Á mô phòng toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta với sự kiện tấn công bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Đến năm 1890, thực dân Pháp đặt được ách cai trị ở Lai Châu (bao gồm Điện Biên và Lai Châu ngày nay).

Ngày 3/12/1953, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương - Nava, chính thức chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với các đại đoàn chủ lực của ta. Dốc sức vào canh bạc cuối cùng này, Nava xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Ngày 6/12/1953, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình, Bộ Chính trị đã đi đến quyết định: Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh “Trần Đình”. Quyết định chấp nhận giao chiến với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên là một bước ngoặt lớn trong 9 năm trường kỳ kháng chiến. Đầu năm 1954, tại lòng chảo Điện Biên, quân và dân ta đã bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với thực dân Pháp. Trải qua 3 đợt tiến công với biết bao gian nan, thử thách, trải qua 56 ngày đêm với biết bao mất mát hy sinh, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng đúng đắn, sinh động cho đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh của Đảng ta. Đồng thời, cũng là một cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng, khốc liệt, thử thách lòng quả cảm và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc Việt Nam trước đội quân xâm lược hùng mạnh. Đồng thời càng khẳng định thêm ý nghĩa của danh xưng Điện Biên trong việc trấn giữ vùng biên phía Tây của Tổ quốc.

Bản làng Mường Phăng ngày mới.

 

70 năm phục dựng và trưởng thành

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương”, nhiều cán bộ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến khi đó cũng đã đồng lòng về quê đưa vợ, con lên chung sức cùng đồng bào các dân tộc Điện Biên xây dựng lại mảnh đất mà họ từng chiến đấu không tiếc máu xương. Sự đồng lòng, quyết tâm đó đã đưa Điện Biên hôm nay trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, đời sống người dân không ngừng nâng lên, mạng lưới giao thông thuận tiện kết nối nhiều vùng miền trọng điểm giúp Điện Biên hôm nay tự tin vững bước trên đường lớn thênh thang, cùng cả nước bước vào hội nhập.

Nhớ lại mảnh đất Điện Biên Phủ những ngày đầu sau giải phóng, ông Vũ Văn Kiệm, người dân phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Sau năm 1954 khi chiến thắng thực dân Pháp xâm lược, Điện Biên lại tiếp tục bước vào "trận chiến" mới "xóa đói nghèo, kiến thiết lại quê hương". Quang cảnh của mảnh đất Mường Thanh lúc bấy giờ hết sức hoang sơ, ngoài những tàn tích chiến tranh, xác máy bay, xe tăng thì chỉ có một số ít nóc nhà ngói nằm rải rác từ Đồi A1 lên đến gần chợ trung tâm, khi đó không có trụ sở cơ quan, ban ngành nào cả. Khi Điện Biên Phủ giải phóng, đời sống của người dân vô cùng đói khổ, nhất là đồng bào các dân tộc, ngày ăn 2 bữa không no.

Bước thật chậm trên đập chính của Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên không khỏi xúc động khi nhớ lại thời điểm toàn quân, toàn dân tập trung xây dựng Điện Biên. Ông Chính cho biết, sau ngày giải phóng, đời sống của đồng bào, nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Diện tích lúa nước không nhiều do bà con chỉ quen trồng lúa nương, nhiều diện tích của lòng chảo Mường Thanh cũng chủ yếu để chăn thả gia súc, chưa phát triển được nông nghiệp hoặc phát triển nhỏ lẻ năng suất không cao, giá trị kinh tế thấp, tới 90% người dân thiếu ăn.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước chủ trương nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm để giúp người dân mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh.

 

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngày 3/10/1963, công trình chính thức được khởi công với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Quá trình thi công trong điều kiện rất khó khăn cả về nhân lực và phương tiện, vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải chiến đấu chống lại các đợt ném bom đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Song với tinh thần lao động, chiến đấu quên mình, lực lượng thanh niên xung phong đã không quản hy sinh, tham gia xây dựng công trình đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, hoàn thành xây dựng được các hạng mục: đập tràn bằng đá hộc và bê tông dài 127m qua sông Nậm Rốm, hệ thống tường chắn bằng bê tông cốt thép dài 68m, cao 17m; hệ thống cống lấy nước, cống xả cát và hơn 34km mương dẫn nước dọc 2 bên phía Đông và phía Tây của cánh đồng Mường Thanh.

Công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm hoàn thành đã góp phần đảm bảo cung ứng nước tưới, tạo nên cánh đồng Mường Thanh trù phú, có giá trị kinh tế cao, tạo đột phá cho nông nghiệp, làm lên thương hiệu gạo Điên Biên nổi tiếng toàn quốc. Từ diện tích chỉ khoảng 300ha ban đầu, đến nay công trình vẫn nuôi dưỡng hơn 7.000ha lúa 2 vụ của người dân trong vùng lòng chảo Mường Thanh, năng suất lúa tăng từ 20 tạ/ha lên trên hơn 60 tạ/ha.

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng, khốc liệt, thử thách lòng quả cảm và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc Việt Nam trước đội quân xâm lược hùng mạnh; đồng thời càng khẳng định thêm ý nghĩa của danh xưng Điện Biên trong việc trấn giữ vùng biên phía Tây của Tổ quốc.

 

“Nhờ có dòng nước của Đại thủy nông Nậm Rốm tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, nhân dân đã có thể phát triển nông nghiệp tốt hơn. Tấc đất tấc vàng, trước đây chưa có công trình thủy lợi, người dân bỏ hoang hàng trăm, hàng nghìn héc-ta đất, nhưng bây giờ dù 5 - 10m2 đất, bà con vẫn có thể sản xuất nông nghiệp làm ra hạt thóc, không bỏ phí một tấc đất nào. Đây cũng là một điều rất quý về việc thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp của người dân”, ông Trần Công Chính nhấn mạnh.

Song song với giải quyết “giặc đói”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng tập trung kiến thiết lại đô thị sau những ngổn ngang, tàn phá của bom đạn. Hiện mạng lưới đô thị tỉnh Điện Biên đang được mở rộng và phát triển theo định hướng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được chú trọng, đảm bảo tính toàn diện và đi trước một bước, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt khoảng 20 đồ án quy hoạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Đến nay, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 36%. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Thương mại Vietjet Air cho biết: Nhiều công trình lớn của tỉnh được hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó đặc biệt phải kể đến sân bay Điện Biên Phủ giúp kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Với diện mạo hoàn toàn mới, sân bay Điện Biên Phủ rất khang trang, có thể tiếp nhận được tàu bay A320, A32, mở ra điều kiện phát triển lớn cho Điện Biên.

 

Từ một bãi chiến trường ngổn ngang, với sự hỗ trợ của Trung ương, Điện Biên đã bứt tốc, tập trung toàn lực kiến thiết xây dựng lại và vươn mình trở thành một thành phố trẻ năng động, hiện đại.

 

Quyết tâm đưa Điện Biên xứng tầm khu vực

Năm 2022, tỉnh Điện Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành trong cả nước, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,1%, cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt khá cao so bình quân chung cả nước, thuộc tốp đầu của 14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.750 tỷ đồng và cũng là năm đầu tiên du lịch của tỉnh cán mốc 1 triệu lượt khách. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 26%.

Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Điện Biên, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua, tỉnh Điện Biên thể hiện quyết tâm rất rõ, từ nay tới năm 2030 địa phương sẽ quy hoạch để trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng, gắn với 4 trục động lực, 3 vùng kinh tế và 4 cực tăng trưởng, lấy việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước là đột phá. Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, năng động đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo tinh thần chủ động, nhạy bén, nắm chắc thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Toàn cảnh buổi Tổng duyệt Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.

 

Cũng tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng: Quy hoạch tỉnh sẽ tạo động lực, sức lan tỏa mới cho Điện Biên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Điện Biên cần chú trọng thực hiện hiệu quả quy hoạch hướng tới phát triển xanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có. Sau 70 năm chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu với những ý nghĩa, tầm vóc mang tính thời đại, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên cần tiếp tục giữ vững niềm tự hào biến thành động lực mạnh mẽ, kết hợp với sức mạnh của khối đại đoàn kết của toàn dân tập trung đưa Ðiện Biên trở thành điểm sáng trên con đường đổi mới nơi cực Tây của Tổ quốc…

Điện Biên không chỉ là vùng đất cách mạng gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh... Kế thừa những tiềm năng, lợi thế, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực từng ngày, khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng để Điện Biên phát triển bền vững trong thời gian tới./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận