Cho bệnh nhi ung thư thêm điểm tựa

Mái ấm Thiện Tâm đang cưu mang gần 80 người, gồm cả bệnh nhi và người nhà của các em.

 

Từng phải bán nhà để trả các khoản nợ cho hoạt động từ thiện của bản thân, vậy mà nghe ai nói “Già rồi, nghỉ ngơi thôi”, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm (TP Thủ Đức, TP.HCM) liền đáp: “Tụi nhỏ bị ung thư khổ đủ đường, gia đình thì khánh kiệt, mình không giúp coi sao đành”.

Đâu thể ngó lơ

Nằm gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức), Nhà trọ Thiện Tâm do ông Nguyễn Đăng Hoàng xây dựng trên mảnh đất rộng thuê lại của người quen. Nghe ông thuê đất làm chỗ ở miễn phí cho bệnh nhi ung thư cùng thân nhân, chủ đất giảm luôn 50% như một cách đồng hành. Tự tay thiết kế và lên ý tưởng xây dựng nhà trọ đặc biệt này suốt mấy tháng liền, ngày đón những “cư dân” đầu tiên, mắt ông Hoàng ướt nhòe vì xúc động. Ông biết, mái nhà này rồi sẽ đỡ đần được nhiều gia đình khốn khổ với căn bệnh hiểm nghèo. Mọi người gọi nhà trọ nghĩa tình này là “Mái ấm Thiện Tâm”, gọi chủ nhà trọ là “ông Hoàng, ba Hoàng”. Nơi đây đang cưu mang gần 80 người, gồm cả bệnh nhi và người nhà của các em.

Không chỉ lo ăn ở miễn phí cho bệnh nhi và người nhà, ông Hoàng còn chăm chút rất kỹ cho đời sống tinh thần của mọi người ở mái ấm. Buổi sáng, mái ấm vắng tanh vì ai cũng đưa con vào viện xạ trị, hóa trị, tập vật lý trị liệu… đến tối, họ quây quần bên nhau ăn bữa cơm, tâm sự chuyện đời, hỏi thăm nhau. Thấy mọi người ngồi hoài cũng chán, ông Hoàng sắm dàn karaoke để ai thích văn nghệ sẽ mạnh dạn góp vui. Bệnh nhi thì được học chữ, học vẽ khi có thời gian rảnh. Ông Hoàng nói, làm vậy để tụi nhỏ vơi bớt nỗi nhớ trường lớp, bạn bè, điều mà đứa trẻ nào cũng coi là quý giá. Vội vàng rời quê lên TP.HCM chữa ung thư, các em đâu ngờ, chuyến đi này đau đớn và kéo dài đến vậy.

 

Mái ấm “0 đồng” của ông Hoàng đã giúp đỡ cho rất nhiều bệnh nhi ung thư trong giai đoạn khó khăn nhất.

Cách đây hơn một năm, nghe tin ông Hoàng đưa vào hoạt động Nhà trọ miễn phí Thiện Tâm, bạn bè lại buông tiếng thở dài. Trước đó, ông vận hành một cơ sở hỗ trợ bệnh nhân ung thư tại quận Bình Thạnh suốt thời gian dài, làm được rất nhiều điều thiết thực cho người bệnh. Gần 40 năm gắn bó với công việc đồng hành cùng bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM, toàn những ca đặc biệt, ai cũng nghĩ rồi đến ngày thấm mệt, ông sẽ ngưng. Nhiều người khuyên nên chọn phần việc bớt áp lực hơn vì cứ tiếp xúc với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối rồi nay tiễn người này, mai lo hậu sự cho người kia, trái tim nào chịu nổi. Đúng thật, có những ngày tinh thần ông suy sụp vì phải tiễn đưa các bệnh nhi không qua khỏi. Lúc ấy, ông sợ mình không đủ sức để bước tiếp hành trình nhiều tổn thương.

Nhưng sáng hôm sau, mở điện thoại và nhận thêm rất nhiều tin nhắn cầu cứu, ông Hoàng biết mình chưa thể khép lại công việc cần thiết này. Thôi thì, người bệnh cần, ông còn gắng sức dù chẳng còn nhà để bán, tiền tiết kiệm cũng đã chi sạch cho các khoản phát sinh ngoài dự kiến. Bạn bè không đồng ý, ông vẫn triển khai các dự án giúp đời. Không chỉ mở nhà trọ “0 đồng” cho bệnh nhi ung thư và người thân, mỗi ngày, ông Hoàng còn tổ chức nấu cơm, nấu cháo tặng người nghèo đang điều trị ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Với những trường hợp nguy kịch, ông Hoàng luôn tìm cách giúp đỡ hết sức nhằm giảm bớt khó khăn cho bệnh nhi và gia đình. Ông Hoàng nói, đi ngủ cũng chẳng dám tắt điện thoại, sợ bệnh nhân cần mà không giúp kịp thì áy náy trong lòng.

May mắn là nhiều người trong cộng đồng sẵn sàng chung tay hỗ trợ khi biết được tấm lòng của ông với bệnh nhi ung thư. Tất cả các khoản tiền và quà do mạnh thường quân ủng hộ mái ấm, ông Hoàng đều công khai. Có quà bánh, thuốc bổ hay sữa, ông nói nhân viên chia đều cho mỗi phòng, không để ai thiếu phần. Khi ai đó ngỏ ý tặng tiền, ông mời họ đến mái ấm, trao tận tay người nhà các em để thêm câu động viên tinh thần, thêm động lực cho những người mẹ, người cha vốn đã quá mỏi mệt, cơ cực này.

“Mỗi tháng, tổng chi phí cho mái ấm khoảng 80 người lớn nhỏ gần 200 triệu đồng, khó khăn chứ nhưng tôi biết ba mẹ bệnh nhi cần tiền hơn. Tôi còn xoay được chứ họ còn gì để bán đâu khi theo con lên đây điều trị bệnh ròng rã, đủ thứ phải gánh gồng”.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng

 

Mái ấm sẻ chia

“Quỳnh ơi, con dậy chưa? Hôm nay đỡ mệt hơn không?”. Nghe tiếng gõ cửa kèm giọng nói ấm áp quen thuộc, chị Ngô Thị Ngọc Khanh (43 tuổi, quê Trà Vinh) đứng dậy đón khách. Ngồi trên chiếc giường tầng, Nguyễn Khánh Quỳnh - con trai chị Khanh nở nụ cười thật tươi. Mỗi tuần, ông Hoàng thường dành vài ngày ghé thăm Quỳnh. Quà ông đem đến bên cạnh túi bánh kẹo thường là mấy mẩu chuyện vui. Quỳnh quý ông lắm vì chưa bao giờ ông từ chối bất kỳ mong muốn nào của em. Ông Hoàng luôn dặn Quỳnh: “Có điều gì khó nói với mẹ và mọi người, hãy tâm sự với ông. Cần ông giúp gì, đừng ngại”.

Hơn một năm trước, thấy Quỳnh khó thở sau khi chơi thể thao, chị Khanh vội đưa con trai vào bệnh viện kiểm tra thì bàng hoàng nhận về kết quả: Ung thư phổi giai đoạn 3. Lúc phát hiện bệnh, Quỳnh 17 tuổi, sắp bước sang năm cuối của bậc THPT với rất nhiều dự định cho tương lai. Chồng mất sớm, nhiều năm nay, chị Khanh chọn công việc tạp vụ, kiếm tiền lo cho hai con ăn học. Giờ đành bấm bụng gửi con út cho nhà ngoại, chị Khanh vét sạch túi còn vài triệu đồng, dắt Quỳnh đi trị bệnh. Xe đò gần cập bến, nhìn gương mặt xanh xao của con, chị nghẹn ngào mà không dám khóc, sợ Quỳnh hoang mang.

Thấy chị Khanh khó khăn, có người hướng dẫn: “Tới gặp ông Hoàng ở mái ấm Thiện Tâm đi”. Chị làm theo, chỉ vài bữa sau, mẹ con chị được bố trí vào tá túc ở căn phòng này, tháng tiết kiệm được hơn chục triệu tiền ăn ở, chi tiêu vặt. Chị Khanh nhớ lại lần đầu tiên gặp ông Hoàng: “Lúc mẹ con tôi tìm tới, nghe xong chuyện, chú chẳng suy nghĩ hay hỏi han gì nhiều mà nhận liền rồi còn động viên. Tôi mừng lắm, òa khóc luôn. Tiền thuốc mỗi tháng cũng mấy triệu, ở đây thì không làm ra đồng nào, may mà có chú và mạnh thường quân hỗ trợ. Không gặp chú, không được vào đây, chắc mẹ con tôi bỏ cuộc lâu rồi”.

Mỗi bệnh nhi vào mái ấm này đều mang theo một câu chuyện buồn. Thế nhưng, tình yêu thương là điều luôn ngập tràn nơi đây. Các bà mẹ, ông bố luôn tìm cách động viên, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, đồng hành cùng con. Bọn trẻ thì hòa đồng, trừ lúc quá mệt do hóa trị, xạ trị, còn lại vui vẻ sinh hoạt chung, học thêm con chữ, tìm thêm trò chơi mới. Cộng sự của ông Hoàng tại mái ấm này đa phần là người nhà bệnh nhi, họ tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi của mình cho các hoạt động tập thể. Bếp ăn “0 đồng” của mái ấm đều do các thân nhân bệnh nhi vận hành. Đó là cách họ chọn để chia sẻ thương yêu và đáp trả ân tình mà ông Hoàng đã trao tặng.

Hơn 20 năm trước, ông Dương Công Thành (62 tuổi, ở tỉnh An Giang) lặn lội đưa vợ lên TP.HCM điều trị ung thư vú. Thời điểm ấy, gia đình ông rất khó khăn, vợ bị bệnh phải điều trị dài ngày, bao nhiêu tiền của ra đi, các khoản vay mượn lớn dần. Thương cho hoàn cảnh của vợ chồng ông Thành, ông Hoàng dang tay giúp đỡ. Những ngày chăm vợ tại bệnh viện, ông Thành cảm động khi chứng kiến sự lăn xả, nhiệt tình của ông Hoàng với bệnh nhân ung thư. Sáu năm sau, vợ mất, ông Thành về quê, tiếp tục cuộc sống mưu sinh nhưng vẫn giữ liên lạc với ân nhân.

Thuê mặt bằng mở quán ăn, kinh doanh vừa đi vào ổn định thì ngày nọ ông Thành nhận được cuộc gọi từ ông Hoàng. Ông Hoàng chia sẻ về ý tưởng thành lập nhà trọ miễn phí cho bệnh nhi ung thư và muốn ông Thành trở thành quản lý, lo công việc vận hành. “Anh Thành về với mọi người đi. Chỉ có anh mới lo cho bệnh nhân hết mình. Mọi người cần anh”. Nghe xong cuộc điện thoại ân tình, ông Thành thu xếp mọi chuyện ở quê, lên TP.HCM bắt đầu chặng đường mới. Từ việc ghi chép sổ sách, công khai các khoản chi tiêu đến quản lý bếp ăn, lên thực đơn mỗi ngày, phân việc cho mọi người, chọn rau củ… ông Thành đều phụ trách. Ngày ông Hoàng mời vào nhận khoản lương đầu tiên, ông Thành vội lắc đầu, vui vẻ nói: “Ở đây cơm nước đầy đủ rồi, có chi tiêu gì đâu mà lấy tiền của chú. Hãy để tôi đáp trả ân tình ngày xưa. Vợ chồng tôi đã được chú giúp đỡ quá nhiều, giờ là lúc tôi giúp lại các bệnh nhân khác”./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận