Tiếng nói Việt Nam giữa ngàn khơi

'Với chúng tôi, cái đài ni là báu vật nên phải mang theo nhiều cái để phòng hờ lỡ bị sóng biển làm ướt, hư hỏng sẽ có cái thay thế'.

 

Những ngư dân trước khi lên tàu, ai cũng lôi trong túi hành lý những chiếc radio ra kiểm tra. “Với chúng tôi, cái đài ni là báu vật nên phải mang theo nhiều cái để phòng hờ lỡ bị sóng biển làm ướt, hư hỏng sẽ có cái thay thế”, anh Giang - ngư dân ở đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) nói tôi biết.

1. Nghề biển tưởng chừng cô đơn, lạc lõng trong không gian biển cả bao la. Nhưng không, nghề biển tuy gập ghềnh sóng nước mà lại có chung nhịp điệu rất logic, nhất là nghề đánh bắt xa bờ.

Câu hỏi ngư dân ra biển buồn vui thế nào, cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Để trả lời cho chính mình, tôi từng trốn cơ quan theo chân những người dân đảo Cù Lao Chàm vào mùa câu cá hố trắng xuất khẩu.

Sau hành trình mười lăm tiếng đồng hồ, chiếc tàu mang số hiệu QNa-2070 của anh Nguyễn Tám đã rời bờ 100 hải lý. Sự lạ lẫm, hấp dẫn của biển cả đã khiến tôi 5 đêm không chợp mắt, lênh đênh trùng khơi cùng họ suốt 15 ngày đêm, và trải nghiệm trọn vẹn nhịp điệu lao động trên mông mênh sóng nước đầy thú vị.

Ngư dân coi chiếc đài là báu vật, là người bạn đồng hành trong mỗi chuyến ra khơi.

Từ nghề đánh bắt cá nhỏ, bán tại khơi cho người đánh bắt (câu) cá lớn, đến cả thành quả lao động, sản lượng cũng được biết ngay sau một ngày đêm dập dềnh trên sóng. Ngay cả chợ thu mua cá, mực... di động trên biển cũng sẵn sàng đón mua hàng tại chỗ, giúp nghề biển tiết kiệm chi phí, mang lại nhiều lợi nhuận cho một chuyến ra khơi.

Sau 2 ngày đêm đầu tiên, chứng kiến ngư dân làm việc cật lực, điều lạ là dường như thời gian nghỉ ngủ của họ chưa tới 3 giờ đồng hồ. Có khi họ vừa ăn cơm vừa ngủ. Ngay cụ Nguyễn Cà, 74 tuổi, cũng làm việc như những người trẻ hơn. Thấy ông thức liền mấy ngày đêm không ngủ, lúc nào cũng kè kè đeo chiếc radio trước ngực, tôi hỏi: “Sức đâu mà chú làm miết rứa”? Ông rít hơi thuốc lá phà khói trông sảng khoái rồi trả lời: “Nghề câu cá hố là rứa đó, ra khơi là phải làm, làm cho kịp. Chỉ khi mô về nhà thì mới ngủ nghỉ”.

Quả thật, nghề câu cá hố thật vất vả. Đêm xuống chong đèn móc mồi câu cho đến khuya, xong bủa câu xuống biển, mỗi nẹp câu 100 lưỡi, dài 500m. Mỗi đêm bủa xong gần 20 nẹp câu, tương đương dài bằng 10km, lúc này trời vừa hừng đông, các ngư dân tranh thủ nấu ăn, thuyền trưởng bấm định vị và lên đàm (ICOM) gọi tìm tàu khác để mua cá, mực làm mồi câu. Khi mua được mồi, tàu quay lại kéo câu thu cá, công việc thu câu kéo dài 3 giờ. Thuyền trưởng lái tàu theo hướng dàng câu, 2 người kéo câu, một người gỡ cá, một người thu câu, người còn lại đảm nhận khâu sắp cá và ướp đá lạnh giữ cho cá tươi ngon.

Xong câu, mọi người tập trung ban câu (thu xếp lưỡi vào nệp) cho đến chiều tối. Cứ vậy, công việc xoay vòng liên hồi, mãi đến khi nhiên liệu và lương thực tích trữ dần cạn mới về bờ. Dẫu mất ngủ, mỏi mệt, nhưng sau chuyến biển đạt thành quả mang lại thu nhập cao, ai cũng phấn khởi.

2. Tưởng chỉ nghề câu cá hố mới cực nhọc mất ngủ, sau những lần tiếp xúc với ngư dân chuyên câu mực khơi mới hay, nghề câu mực khơi xuất khẩu còn gian truân gấp nhiều lần. Trước khi ra khơi, ngư dân phải chuẩn bị cả chục tấn nhiên liệu dầu Diesel, nước ngọt, vài chục bình gas, lương thực… đủ cho hành trình tàu và 30 người hoạt động dài khoảng 2 tháng. Riêng phí tổn chuẩn bị cho một chuyến biển lên tới cả tỷ đồng.

Niềm vui sau một chuyến ra khơi câu mực.

Điều khiến tôi bất ngờ là những ngư dân trước khi lên tàu ai cũng lôi trong túi hành lý những chiếc radio ra kiểm tra, ít thì 2 chiếc, nhiều thì 3 chiếc. Thấy tôi tò mò, anh Giang, một ngư dân trong chuyến ra khơi câu mực, bật cười giải thích: “Với chúng tôi, cái đài ni là báu vật nên phải mang theo nhiều cái để phòng hờ lỡ bị sóng lớn, nước biển ướt, hư hỏng thì còn có cái khác thay thế”.

Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, anh Giang giải thích thêm: “Bọn tui ra biển, mỗi người một cái thúng chai (thuyền thúng), cây dầm chèo, vài gói mì tôm để khi đêm khuya đói bụng ăn sống, ít nước ngọt, cái đèn pin rứa là lênh đênh trên sóng khơi thâu đêm. Giữa đêm tối mịt mù khơi, chính cái đài vừa là người bạn, vừa giúp tôi khỏi buồn ngủ. Được nghe tiếng nói thân thương từ đài, thấy mình vơi bớt nỗi cô đơn, hiu quạnh giữa biển vắng lạnh, biết tin tức thời sự, những chương trình, tiết mục và cả dự báo thời tiết trên đài đồng hành suốt chuyển biển”. Nghe anh Giang kể mà lòng tôi như quặn lại.

Ngày ra cảng Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), chứng kiến cảnh vợ con ra đưa tiễn chồng - cha đi biển, trong ánh mắt họ hiện lên những niềm vui, những chứa chất nhiều âu lo cứ dùng dằng như diều bay cao thấp theo gió. Càng nghĩ, tôi càng trân quý những ngư dân chuyên ra khơi bám biển, bởi cuộc sống của họ hình như ở biển nhiều hơn ở nhà, thiếu thốn tình thương, sự chia sẻ động viên, cả hạnh phúc gia đình.

Những người vợ ở nhà chờ chồng mang mực về phân loại.

Hơn nữa, cuộc đời họ sống ngoài trùng dương quanh năm suốt tháng chỉ bè bạn với “sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”. Luôn đương đầu với sóng gió hiểm nguy, đâu chỉ có mưu sinh, mà họ mang trọng trách là những “cột mốc sống”, người lính giữ biển đảo chủ quyền của Tổ quốc, những người âm thầm góp phần nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia.

Tôi nhớ lời anh Tám thuyền trưởng, người từng nhiều lần đối đầu với tàu lạ uy hiếp trên biển để cướp, từng bị nhiều trận bão nhấn chìm tàu thuyền nhưng chưa hề khuất phục, vẫn mua sắm tàu ra khơi bám biển: “Anh thấy tàu câu mực to như tàu sân bay rứa chứ ra biển nó như chiếc lá tre. Mà cái thúng chai thả xuống biển lại càng bé nhỏ giữa ngọn sóng khơi”.

Nghề biển vốn đã cô quạnh, nhưng nghề câu mực khơi lại càng cô đơn hơn. Khi ánh tà dương chuẩn bị tắt sáng, tàu lớn chạy thả từng chiếc thuyền thúng xuống biển, mỗi thuyền là một người trôi theo sóng gió để câu mực. Đến sáng, tàu mới chạy đi tìm từng thúng vớt đưa lên tàu. Sau bữa cơm vội vã, họ xẻ mực vừa câu trong đêm để phơi, rồi thu gom mực đã khô những ngày trước vào cất giữ, công việc kéo dài đến qua trưa, tranh thủ chợp mắt vài tiếng đồng hồ rồi tối lại thức thâu đêm.

“Đó là những lúc trời yên, biển lặng. Gặp lúc sóng gió bất lợi, thời gian chạy đi tìm vớt thúng hết ngày, lại lo người bị trôi lạc nữa. Khổ lắm! Mấy năm gần đây, được nhà nước quan tâm, có lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng… quan tâm, giúp đỡ cứu hộ cứu nạn, cấp cứu bệnh tình đau ốm nặng trên biển nên mọi người an tâm hơn!” - vị thuyền trưởng tâm sự.

“Giữa đêm tối mịt mù khơi, chính cái đài vừa là người bạn, vừa giúp tôi khỏi buồn ngủ. Được nghe tiếng nói thân thương từ đài, thấy mình vơi bớt nỗi cô đơn, hiu quạnh giữa biển vắng lạnh, biết tin tức thời sự, những chương trình, tiết mục và cả dự báo thời tiết trên đài đồng hành suốt chuyển biển”.

Anh Giang, ngư dân ở đảo Cù Lao Chàm

“Có đồng tiền nào mà chứa cả niềm vui, nỗi buồn, cả mồ hôi và nước mắt với vị mặn, ngọt như đồng tiền của những người đi biển. Nhưng đó là đồng tiền sạch trong như nước biển”. Lời động viên của người vợ thuyền trưởng như sự thành tâm chị quỳ trước biển lạy trời

Một lần tham dự chương trình “Vì biển đảo quê hương” do Cảnh sát biển vùng 2 tổ chức, tôi hỏi một thanh niên mới xuất ngũ về chuyến câu mực khơi đầu tiên: “Ra khơi em thích cái chi nhất”? Không cần suy nghĩ, em ấy liền trả lời: “Ra biển thèm có được một bữa rau xanh. Nhiều lúc thèm rau xanh mà thấy mảng rong biển trôi phải vớt cho được và ăn ngay, nếu nhiều thì đem về tàu chia sẻ cho mọi người. Những đêm khuya đang câu mực giữa biển, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam kể về những mô hình lập nghiệp trồng rau mà thèm chịu không nổi, ước chi có ngay nắm rau cho khỏi cơn thèm!”.

Không ai có thể đọc hết những thao thức, chênh vênh giữa muôn trùng sóng thay cho chính họ. Sống lam lũ, tuy nhọc nhằn, nhưng họ không rời biển. Biển luôn hào phóng nên ngư dân xem như ngôi nhà thuộc về họ. Và xem trùng khơi là chốn mưu sinh vẹn nguyên bao đời./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận