Sai lầm dẫn đến nấm ống tai ngoài ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nấm ống tai ngoài chứ không phải điều kiện ẩm nào trong ống tai cũng gây nấm.

 

Mỗi khi trẻ tắm gội, cha mẹ thường có thói quen ngoáy tai cho trẻ mà không biết đây là một trong những thói quen xấu, có thể dẫn tới bệnh nấm ống tai.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến nấm ống tai ngoài

Nấm ống tai ngoài không phải là bệnh khá phổ biến ở nước ta, nó chỉ chiếm khoảng 10% trong số những bệnh nhân bị viêm ống tai. Bệnh dễ xuất hiện do viêm nhiễm hoặc vệ sinh tai thái quá.

Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Huy, Trưởng khoa Tai, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, nấm ống tai ngoài không quá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Tổn thương do nấm gây nên thường khu trú ở ống tai ngoài hoặc vành tai. Nấm ống tai đa phần do viêm nhiễm, gây ứ dịch và đọng lại ngày càng dày lên, làm cho trẻ nghe kém và tạo điều kiện cho nấm xâm nhập và phát triển. Biểu hiện đầu tiên của bệnh nấm ống tai ngoài là cảm giác ngứa trong ống tai và khó chịu, gây ù tai. Nếu để lâu ngày sẽ làm giảm sức nghe và làm cho ống tai hẹp lại.

TS.BS Nguyễn Hoàng Huy, Trưởng khoa Tai, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương. (Ảnh: H.G)

“Những trường hợp viêm ống tai ngoài lâu ngày khiến ống tai ứ dịch, gây ẩm, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Hoặc trẻ viêm tai giữa lâu ngày, gây thủng màng nhĩ, làm mủ chảy từ tai giữa ra ống tai ngoài. Khi ống tai ngoài ẩm ướt, có dịch mủ cũng là nguyên nhân để nấm dễ xâm nhập và gây bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây nấm ống tai ngoài chứ không phải điều kiện ẩm nào trong ống tai cũng gây nấm. Có trường hợp không khai thác được nguyên nhân, hoặc có trường hợp do quá cẩn thận, ngày nào cũng ngoáy tai, gây chấn thương. Dù không phải là chấn thương nặng nhưng việc ngoáy tai lặp đi lặp lại cũng là yếu tố thuận lợi gây viêm ống tai ngoài”, TS.BS Hoàng Huy phân tích.

“Không nhất thiết ngày nào cũng ngoáy tai cho trẻ mà chỉ cần thỉnh thoảng hoặc 1 vài tuần dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý lau tai cho trẻ, bởi ráy tai tự đẩy ra ngoài và tạo môi trường để hạn chế nhiễm khuẩn thành ống tai”, TS.BS Nguyễn Hoàng Huy.

“Không nhất thiết ngày nào cũng ngoáy tai”

 TS.BS Nguyễn Hoàng Huy cho biết, một số người quan niệm ráy tai là thứ chất bẩn nên cố lấy cho bằng hết mà không biết rằng ráy tai còn có chức năng bảo vệ màng nhĩ và tạo môi trường để hạn chế nhiễm khuẩn thành ống tai. Do vậy, hằng ngày không cần lấy ráy tai hay chăm sóc tai vì ống tai ngoài có chức năng tự đẩy ráy tai ra ngoài. Tuy nhiên, trừ một số trường hợp ráy tai khô cứng thì phải dùng thuốc tan ráy để đẩy nó ra ngoài.

Khi trẻ có triệu chứng ngứa hay giảm sức nghe, cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa để loại trừ nấm ống tai ngoài. (Ảnh: Hà Nguyên)

“Nấm ống tai ngoài là bệnh có thể điều trị nội khoa tại chỗ, thậm chí không cần thuốc uống toàn thân cũng có thể khỏi ống tai ngoài. Tuy nhiên điều trị nấm mất thời gian hơn điều trị viêm ống tai ngoài và bệnh có thể tái diễn nếu điều kiện gây bệnh thuận lợi”, bác sĩ Huy nhấn mạnh.

TS.BS Nguyễn Hoàng Huy khuyến cáo, để phòng bệnh nấm tai, cha mẹ không nên ngoáy tai cho con thường xuyên hằng ngày. Tuyệt đối không ngoáy tai bằng những dụng cụ không đảm bảo vệ sinh hoặc ra hàng cắt tóc gội đầu lấy ráy tai. Đặc biệt, mỗi khi tắm ở bể bơi hoặc gội đầu, nên nhỏ nước muối sinh lý vào 2 tai để đẩy nước bẩn ra vì hóa chất bể bơi cũng có thể gây viêm tai, gây nấm. Khi có dấu hiệu lâm sàng bất thường ở tai cần đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện nấm và điều trị sớm.

“Nấm ống tai ngoài phải đến bác sĩ chuyên khoa khám mới biết được. Bởi có khi viêm ống tai ngoài cũng gây ngứa. Do vậy, khi trẻ kêu ngứa tai nhiều và nghe kém phải đưa trẻ đi khám ngay. Với trẻ nhỏ chưa biết nói, cha mẹ cần quan sát biểu hiện khó chịu, quấy khóc khi trẻ đưa tay lên đầu và nghiêng đầu…”, TS.BS Nguyễn Hoàng Huy lưu ý./.

Hương Giang

 
 

Bình luận

    Chưa có bình luận