Cơ hội tái sinh cho thai nhi bị thiểu ối

Đến nay, đã có nhiều em bé được chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật hoàn toàn mới tại Việt Nam - truyền ối vào buồng tử cung.

 

Việc truyền ối vào buồng tử cung là biện pháp can thiệp sản khoa mới nhất và nhân văn, giúp tái sinh cho thai nhi bị thiểu ối.

Nhiều hậu quả nghiêm trọng do thiểu ối

Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Khi nước ối trong là dấu hiệu thai nhi phát triển ổn định và tử cung người mẹ khỏe mạnh. Còn thiểu ối là tình trạng nước ối ít hơn bình thường theo tuổi thai.

Theo BSCK1 Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong các thai kỳ thể tích nước ối khác nhau. Việc quan sát nước ối cho thai nhi rất rõ trong quá trình siêu âm thai để đánh giá tình trạng nước ối có bị cạn ối (thiểu ối) hay không.

Có tới 4-5% sản phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiểu ối là do mẹ và do thai nhi. Trong đó, do mẹ bị rỉ ối hoặc vỡ ối, khiến cho nước ối ra ngoài theo đường âm đạo làm giảm nước ối trong tử cung. Hoặc do mẹ có một số bệnh lý làm cho quá trình sản xuất nước ối trong bào thai bị ít dần đi, làm nước ối cũng giảm. Ngoài ra, còn nguyên nhân do phía thai, nặng nhất thường là do thận của thai nhi không có, hoặc có nhưng không hoạt động làm cho quá trình tạo nước ối giai đoạn phát triển thai nhi không có. Tuy nhiên, cũng có tới 30% thiểu ối vẫn chưa rõ nguyên nhân.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh và BSCKI Nguyễn Thị Sim cùng cộng sự đang thực hiện ca thủ thuật truyền ối tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

“Thiểu ối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi. Nặng nề nhất là gây thiểu sản phổi thai nhi, khiến em bé khi ra đời suy giảm chức năng hô hấp; thai nhi chậm phát triển, không đủ cân như những em bé bình thường; thai nhi có thể bị biến dạng mặt, chân tay, thậm chí là lồng ngực, ổ bụng, cột sống, ngôi thai bất thường gây ra tình trạng lưu thai”, BSCK1 Nguyễn Thị Sim phân tích.

Bác sĩ Sim cho biết, trước đây, những trường hợp thiểu ối không có điều trị đặc hiệu, và thai phụ thường được hướng dẫn uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc có một số biện pháp truyền dịch vào tĩnh mạch người mẹ… hy vọng lượng dịch trong cơ thể mẹ tăng thì nước ối tăng lên. Nhưng hiệu quả từ những biện pháp này chưa cao, và cũng là nguyên nhân khiến thai chết lưu. Do đó, nhiều gia đình đành chấp nhận chủ động đình chỉ thai nghén vì sợ biến chứng của thai lưu. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của sản phụ và người thân trong gia đình.

Cơ hội cứu sống thai nhi từ trong bụng mẹ

Với hy vọng kéo dài thời gian mang thai của sản phụ và tránh được những dị tật không mong muốn do thiểu ối gây ra, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quyết tâm thực hiện kỹ thuật truyền ối từ tháng 10/2019. Đây là kỹ thuật đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối, để tăng thể tích nước ối cho bào thai - là cơ hội cứu sống thai nhi từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, với kỹ thuật này thiểu ối và màng ối của thai phụ phải còn nguyên vẹn và tuổi thai trong khoảng 16 - 32 tuần. Việc truyền ối sẽ không thể thực hiện được với một số trường hợp thai nhi nhỏ hơn 16 tuần tuổi; chống chỉ định: Cổ tử cung ngắn dưới 25mm. Thai phụ bị rỉ ối, vỡ ối non hay thai dị dạng, nhiễm trùng cấp.

BSCKI Nguyễn Thị Sim kiểm tra toàn trạng người mẹ sau khi truyền ối 2 ngày để ra viện.

Theo bác sĩ Sim, thủ thuật truyền ối tưởng như đơn giản, dễ thực hiện nhưng không phải vậy. Thủ thuật này cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối và kỹ năng đưa kim vào buồng ối cần có chuyên môn cao mới thực hiện được. Vì thiểu ối, nên các khe ối còn lại là rất bé, cần phải xuyên kim chính xác vào đúng khe ối nhỏ để đảm bảo truyền được dịch vào buồng ối, cũng như tránh được tổn thương cho thai nhi.

“Sau khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn trạng mẹ, siêu âm thai, xét nghiệm máu. Sau 2 ngày ổn định thì thai phụ sẽ được ra viện. Sau khoảng 1- 2 tháng, nếu bệnh nhân lại có dấu hiệu thiểu ối, thì có thể được chỉ định truyền ối trong điều kiện cho phép và quá trình đó được duy trì đến khi thai có khả năng nuôi được”, bác sĩ Sim cho hay.

Đến nay, đã có nhiều em bé được chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật truyền ối tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, và nhiều trường hợp đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện này. Điều đáng nói, những ca này đều là những thai phụ đã có chỉ định đình chỉ thai ở các cơ sở y tế khác.

Trường hợp thai phụ N.T.H (quê ở Hà Nam) - bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật truyền ối tại Bệnh viện. Chị H cho biết, khi nghe kết luận đình chỉ thai nghén vì thiểu ối khi thai mới 24 tuần tuổi, chị đã tìm đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với tia hy vọng mong manh cứu sống con mình. Tại đây, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và BSCKI Nguyễn Thị Sim đã quyết tâm cùng chị giữ lại con bằng kỹ thuật hoàn toàn mới tại Việt Nam - truyền dịch vô khuẩn vào buồng tử cung.

“Trong quá trình truyền ối, các bác sĩ phải khéo léo cố định kim và đưa được dịch vào buồng ối. Cả phòng mổ đang tập trung cao độ để truyền ối, thì bỗng chị Hxúc động reo lên “em thấy con đạp rồi”. Vì chị H đã cảm nhận được em bé quẫy đạp. Chị vui sướng vì trước đó chỉ thấy bụng gồng cứng liên tục do em bé bị bó sát trong buồng ối như mặc chiếc áo chật nên không thấy cử động của thai”, bác sĩ Sim xúc động nhớ lại.

Điều may mắn đã đến với gia đình chị H với một lần truyền ối duy nhất, sau đó thai phụ đã sinh được bé trai hoàn toàn khỏe mạnh ở tuần thứ 35. Vui nhất khi em bé sinh ra không bị bất cứ một dị tật nào. Và hàng tháng bệnh nhân này vẫn gửi những bức ảnh con xinh xắn cho các bác sĩ của Trung tâm như một lời cảm ơn chân thành.

Hiện nay, đã có nhiều em bé được chào đời khỏe mạnh nhờ truyền ối tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Thai phụ có hiện tượng thiểu ối hãy tới Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh - phòng 220 nhà B - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội 929 Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội để được tư vấn khám và điều trị kịp thời.

Lưu Hường

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận