“Live Fully in Vietnam” là thông điệp ngành du lịch Việt Nam gửi tới du khách quốc tế trong nỗ lực tái mở cửa du lịch của Việt Nam.
Nỗ lực duy trì, sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch
Trong đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và người lao động trong ngành như giảm thuế, phí; giảm lãi suất ngân hàng; giảm giá điện; giảm giá thuê đất, cũng như hỗ trợ tiền mặt cho người lao động...
Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đã ban hành những văn bản hướng dẫn các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp nhằm phục hồi ngành du lịch, trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính, gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng; Tăng cường truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch; Tái cơ cấu theo hướng đầu tư đổi mới và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch thích ứng với xu hướng thị trường mới; Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong du lịch; Tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho kế hoạch phục hồi du lịch.
Trong thời gian hoạt động du lịch quốc tế vẫn đóng băng, Việt Nam đã chủ động, linh hoạt đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa và đã đạt được những kết quả tích cực; đồng thời chủ động duy trì quảng bá hình ảnh điểm đến và cập nhật thông tin thông qua những hoạt động truyền thông trên nền tảng số như website chính thức của Tổng cục Du lịch tại địa chỉ www.vietnam.travel và các trang mạng xã hội. Đặc biệt, khán giả có thể thưởng thức các clip hấp dẫn giới thiệu du lịch Việt Nam như “Vietnam - Best Golf Destination”, “Why not Vietnam” trên các kênh toàn cầu CNBC và CNN từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020, đặc biệt là phát sóng trong cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, bên cạnh các chiến dịch truyền thông khác như “Vietnam Now”, “Visit Vietnam from home”, “Stay at home with Vietnam”...
Nói về kết quả đạt được từ những nỗ lực của ngành trong giai đoạn khó khăn vừa qua, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Vừa qua, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh với 30 giải thưởng. Trong đó có giải quan trọng như: Điểm đến hàng đầu châu Á 2021, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á 2021, Điểm đến du lịch Golf tốt nhất thế giới 2021,… Tổng cục Du lịch Việt Nam được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2021. Những danh hiệu uy tín này sẽ giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với du khách quốc tế.
Chia sẻ về việc mở cửa đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, tại thời điểm này, việc phục hồi và kích hoạt trở lại hoạt động của ngành du lịch quan trọng nhất là thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới. Toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch quốc tế góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tránh chậm chân so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Tổng cục Du lịch xác định mở ra phải an toàn, an toàn đến đâu, mở ra đến đó. Mở lại hoạt động du lịch quốc tế trên tinh thần ưu tiên đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giải quyết mọi tình huống phát sinh để có kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo, từ đó tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.
“Live Fully in Vietnam”
Đi du lịch giúp con người hướng tới trạng thái tốt hơn. Bởi vậy, mang lại lợi ích cho người đi du lịch về thể chất, tinh thần chính là một mục tiêu hướng tới của những người làm du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Bối cảnh “bình thường mới” đã tạo nên thói quen, nhu cầu du lịch mới, xu hướng du lịch mới, đó là du lịch sức khỏe sau đại dịch. Vì vậy, sản phẩm du lịch cần phù hợp với nhu cầu của khách, đáp ứng xu hướng của khách.
Hiện nay, Việt Nam đang tập trung triển khai kế hoạch mở cửa thị trường du lịch, hướng đến đáp ứng kỳ vọng thực tế của du khách. Đó là sức khỏe, sự an toàn, những trải nghiệm mới mẻ và trọn vẹn cho những chuyến đi. “Việt Nam sẽ mở cửa du lịch quốc tế với thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam”. Đến với Việt Nam, các giác quan của du khách trở nên sống động, được ngập tràn trong hương vị mới, hình ảnh mới và âm thanh mới”, ông Hà Văn Siêu tiết lộ.
Trong “Kế hoạch triển khai chính sách kích cầu, phục hồi Du lịch cuối 2021, đầu năm 2022” của Bộ VH-TT&DL, cũng như “Chương trình khôi phục Du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đợt thứ 4” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động đều có chung tâm thế được xác định là “sống chung với Covid-19, xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn”, trong đó nhấn mạnh đến các sản phẩm du lịch hướng về thiên nhiên, sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga…
“Hàm ý thông điệp hướng tới nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, môi trường, vì sức khỏe cộng đồng sau đại dịch… cho thấy những bước đi chủ động, chắc chắn của Du lịch Việt Nam, phù hợp với trạng thái mới. “Live fully in Vietnam” là thông điệp của chúng tôi gửi đến tất cả những ai yêu mến và tin tưởng đến với Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Phát triển du lịch bền vững, tăng cường ứng dụng công nghệ
Xu hướng du lịch hậu Covid-19 sẽ là đi theo nhóm nhỏ, điểm đến xanh, ít chạm, ứng dụng công nghệ cao và sử dụng ít tài nguyên hơn, hạn chế lãng phí. Du lịch bền vững hiện nay cũng có nghĩa là đảm bảo sức khỏe và an toàn cho khách du lịch, phúc lợi cho cộng đồng địa phương tại các điểm đến. Nó tạo ra một điểm đến bền vững kiểu mới, ở đó đặt lợi ích của cộng đồng địa phương ở trung tâm, là ưu tiên chính.
“Việt Nam là điểm đến có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, là cơ hội cho việc tái cơ cấu ngành du lịch hướng đến sự phát triển bền vững. Việt Nam có cơ hội thu hút những nhóm khách du lịch mới, những người mong đợi những sản phẩm và dịch vụ cao cấp đầy đủ tiện nghi. Với sự trợ giúp của công nghệ mới, du lịch thông minh sẽ lên ngôi với tính hiệu quả cao và khả năng thích ứng linh hoạt”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định.
Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam cũng đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh du lịch. Đồng thời, phát triển các ứng dụng công nghệ để kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ việc đi lại, du lịch an toàn./.
Hàng loạt chuyến bay charter đưa du khách quốc tế đến Việt Nam
“Ngày 11/11 đã có chuyến bay mang 222 khách từ sân bay InCheon và 1 chuyến từ chở 207 khách Tokyo tới Việt Nam. Ngày 17/11, Vietnam Airlines có 1 chuyến và ngày 20/11 VietJet Air có 1 chuyến tới Phú Quốc. Sau đó, sẽ có khoảng 24 chuyến bay khác tới Kiên Giang, Khánh Hòa. Dự kiến trong tháng 1/2022, Vietnam Airlines sẽ khai thác 15 - 20 chuyến bay đón quốc tế, đây đều là những chuyến bay charter. Nếu khả quan, kỳ vọng số lượng chuyến bay sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới”. Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
|