'Bong bóng du lịch': Lối mở trong điều kiện 'bình thường mới'

Việc thí điểm mở cửa đón du khách quốc tế có 'hộ chiếu vaccine' đang thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường du lịch.

 

Việc thí điểm mở cửa đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” tại một số điểm đến phù hợp và khởi động lại du lịch nội địa đang thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường du lịch “đóng băng” 2 năm qua do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn cần vượt rất nhiều khó khăn để “phá băng”.

Nhiều tour khép kín theo mô hình “bong bóng du lịch”

Khái niệm “bong bóng du lịch” xuất hiện trong giai đoạn đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 như một giải pháp tiềm năng, mang tới những tia hy vọng để vực dậy ngành kinh tế tổng hợp này. Bong bóng du lịch “travel bubble” được định nghĩa là “hành lang du lịch an toàn”. Đây là một thỏa thuận riêng giữa các quốc gia hoặc địa phương cho phép du khách tham quan, đi lại tự do, không phải cách ly khi nhập cảnh. Để đảm bảo mô hình “bong bóng du lịch”, cần có sự kết nối, đồng bộ hóa các hoạt động giao thông vận tải, đi lại, vận chuyển hành khách, kết nối cơ sở hạ tầng của từng điểm đến.

Trong điều kiện phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, Phú Quốc là điểm đến tiềm năng cho xu hướng “bong bóng du lịch”. Hòn đảo này có vị trí tách biệt với đất liền, có nhiều nét tương đồng với Phuket ở Thái Lan, nhiều cơ sở lưu trú đạt chuẩn 5 sao đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng tiêu chuẩn 5K an toàn cho du khách. Bởi vậy Phú Quốc trở thành điểm đến đầu tiên trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” trở lại.

Du khách tham quan Rừng Sác, Cần Giờ trong tour khép kín do Vietravel tổ chức.

Với thị trường khách nội địa, các địa phương cũng có những phương án cụ thể phù hợp với thực tế của công tác phòng chống dịch tại điểm. Một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc đã mở cửa dần các dịch vụ, và thực hiện trong phạm vi nội tỉnh trước khi đồng ý cho du khách từ địa phương khác trong nước tới du lịch.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) là địa phương đầu tiên quyết định cho phép một số doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, resort thí điểm mở cửa đón khách trở lại với các tour khép kín theo mô hình “bong bóng du lịch” với sự tham gia của 4 cơ sở đón khách gồm: Melia Hồ Tràm Resort, Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino và Six Senses Côn Đảo Resort. Theo đó, khi triển khai mô hình “bong bóng du lịch”, du khách không cần thực hiện cách ly y tế khi đến các điểm du lịch thí điểm nêu trên, nhưng tỉnh BR-VT yêu cầu rất gắt gao về các điều khoản, trong đó việc đầu tiên là các khách sạn thí điểm phải xây dựng phương án, quy trình phục vụ khách du lịch bảo đảm yêu cầu 5K và các quy định khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Một số cơ sở lưu trú tại khu vực miền Bắc cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại theo mô hình “bóng bóng du lịch”. Ví dụ rõ nét nhất có thể nhắc tới là một số gói nghỉ dưỡng tại hai trong những resort đẳng cấp hàng đầu như Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc) hay Flamingo Cát Bà (Hải Phòng).

Mô hình bong bóng du lịch xuất hiện lần đầu tiên trong khuôn khổ thảo luận về khôi phục ngành du lịch giữa Australia và New Zealand vào tháng 4/2020. Sau đó, ba nước vùng Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia cũng mở cửa du lịch theo mô hình khép kín tương tự.

Ưu điểm của các khu nghỉ dưỡng này là vị trí biệt lập, diện tích rộng rãi, thoáng mát, khí hậu mát mẻ với nhiều cây xanh. Cơ sở vật chất khép kín của khu nghỉ dưỡng đảm bảo đầy đủ mọi nhu cầu của du khách từ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, spa chăm sóc sức khỏe trong suốt kỳ nghỉ. Nhờ vậy, du khách sẽ được hưởng trọn vẹn trải nghiệm tại resort với một quy trình khép kín, chuẩn 5K an toàn.

Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist, Lữ hành Saigontourist đang theo sát chính sách của các tỉnh, thành phố đang từ từ mở cửa du lịch, địa phương nào có vùng xanh thì sẽ tổ chức tour tới vùng đó theo mô hình “bong bóng” với cung đường khép kín, khách chủ yếu tham quan tại các điểm du lịch ngoài trời hoặc điểm sinh thái. Các sản phẩm đang ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu của người dân sau thời gian dài không đi du lịch.

“Bong bóng du lịch” được xem là tia sáng hy vọng cho ngành du lịch của Việt Nam nói riêng và các nước nói chung vào cuối năm 2021. Sau thời gian dài phải gánh chịu những tác động nặng nề từ Covid-19, chúng ta có thể hy vọng về một viễn cảnh tươi sáng hơn.

Còn nhiều vướng mắc

Tại Tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” diễn ra ngày 7/12/2021, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel đặt câu hỏi: Việt Nam có thật sự muốn mở cửa hay không? Chúng ta nói là sống chung với Covid-19 nhưng có thật sự như thế không? Theo ông Kỳ, Chính phủ không thể “thả” cho các địa phương tự đánh giá mình là vùng nào, màu nào, mà phải do Chính phủ công bố, nếu không thì dễ xảy ra việc gãy đổ chuỗi cung ứng.

“Chính phủ cần ban hành quy định là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia sẽ công bố các vùng dịch để đảm bảo tính liên kết, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Nhiều tour khép kín theo mô hình “bong bóng” đã được các doanh nghiệp triển khai.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, mở cửa đón khách đầu tiên phải là mở giao thông vận tải, vì đây là huyết mạch kinh tế của cả nước. Không mở được giao thông vận tải thì không thể nói là mở cửa. Bên cạnh đó phải mở cửa hệ thống dịch vụ phục vụ an sinh và cuộc sống người dân. Hiểu nôm na là mở cửa lại hết các dịch vụ trong điều kiện “bình thường mới” là sống chung với dịch, khác với trước kia là không có dịch. Đồng thời, phải mở lại hệ thống những tiện ích, công ích của xã hội, vui chơi giải trí…

“Khách từ TP.HCM xuống Vũng Tàu nhưng không cho ở lại, vậy họ đến làm gì? Đi Đà Lạt giờ bằng máy bay thích hơn đường bộ vì đến đèo Madagui khai báo xong là hết giờ. Vậy mở làm gì cho mệt?”, ông Kỳ bày tỏ.

Cũng trong tọa đàm, bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh khối Sun World, Tập đoàn Sun Group, cho biết: Các phần mềm khai báo y tế hiện vẫn chưa có sự thống nhất, phần mềm nhập cảnh chưa ưu việt hóa. Mặc dù Chính phủ đã xác nhận thống nhất dùng PC-Covid, nhưng thực tế, Phú Quốc hiện dùng Vietnam Safe travel. Đà Nẵng lại dùng Zalo 1022, Quảng Nam thì dùng VNEID... Du khách phải tìm hiểu và tải rất nhiều phần mềm nếu muốn đi du lịch.

Khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam phải trải qua rất nhiều thủ tục và nhiều phần mềm khai báo mới được nhập cảnh. Trong khi đó, phần mềm quản lý xuất nhập cảnh mà Bộ Công an đang yêu cầu sử dụng là IGOVN thì không quét được điểm check-in, máy roaming không khai báo nhập cảnh được, cũng không có tiếng Hàn.

Tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao đang tạm thời công nhận “hộ chiếu vaccine” của hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang trao đổi với gần 80 đối tác khác để công nhận lẫn nhau đối với “hộ chiếu vaccine”. Có 5 địa phương gồm: Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương thí điểm đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”

Bàn về giải pháp, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nêu: Chúng ta cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19 hay không?. Chủ trương mở nhưng thực tế vẫn siết, vẫn ràng buộc nhiều rào cản là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong tất cả các ngành, không chỉ riêng du lịch. Đặc biệt, điều kiện quan trọng nhất để mở cửa du lịch là mở cửa hàng không. Hàng không và du lịch là 2 phạm trù song đôi, không thể mở một nửa.

Muốn phát triển sản phẩm theo mô hình “bong bóng du lịch”, việc kết nối, đồng bộ hóa các hoạt động giao thông vận tải, đi lại, vận chuyển hành khách, kết nối cơ sở hạ tầng của từng điểm đến là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, với những vướng mắc như đã nêu ở trên, việc xây dựng sản phẩm du lịch theo mô hình “bong bóng du lịch” phù hợp với trạng thái “bình thường mới” là rất khó. Ngành du lịch cần vượt rất nhiều trở ngại trong công cuộc “phá băng”, phục hồi./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận