Chuyên gia du lịch cho rằng, việc quan trọng đầu tiên phải làm là phục hồi bình thường hoạt động giao thông vận tải, vì đây chính là huyết mạch kinh tế của cả nước, huyết mạch của ngành du lịch.
Không kết nối bình thường trở lại hoạt động giao thông vận tải giữa các địa phương, không mở lại các chuyến bay kết nối Việt Nam với thế giới thì không thể mở cửa phục hồi du lịch. Mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là công việc đầu tiên giúp khơi thông huyết mạch cho ngành du lịch.
Mở lại các chuyến bay quốc tế
Mới đây, Chính phủ đã có văn bản 334/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp về khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Theo đó, Chính phủ đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022, mở ra kỳ vọng “mở cửa bầu trời” để đón cơ hội phục hồi kinh tế.
Nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nói riêng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, đồng thời tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến, việc mở lại các chuyến bay quốc tế là cần thiết, nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng thường trực đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
4 giai đoạn
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế thường xuyên theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện ngay quý IV/2021: Khôi phục các chuyến bay trọn gói với công dân Việt Nam và các chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế đến một số địa phương như: Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh...
Với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất không hạn chế thị trường, áp dụng với khách người nước ngoài có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP được lấy mẫu trong vòng 72 giờ trước chuyến bay đầu tiên trong hành trình vào Việt Nam; hoặc theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Giai đoạn 2, từ tháng 1/2022: Thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam mà không yêu cầu có văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế.
Thị trường triển khai thực hiện ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, với tần suất ban đầu 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Hành khách chỉ được chấp nhận làm thủ tục hàng không tại điểm xuất phát khi có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí khách sạn được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam, bao gồm phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly.
Giai đoạn 3, từ tháng 4/2022: Tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà, sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.
Hành khách trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19.
Giai đoạn 4, từ tháng 7/2022: Khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu. Đối tượng tham gia chuyến bay là công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng. Thị trường triển khai thực hiện sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất khai thác không hạn chế, theo nhu cầu của các hãng hàng không./.
Để đẩy mạnh truyền thông mở cửa đón khách du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch chính thức triển khai Chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên “Live fully in Vietnam” gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia “Vietnam - Timeless Charm”. Các thông điệp mang ý nghĩa mời chào khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam tại địa chỉ https://vietnam.travel, các trang của Tổng cục Du lịch trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Pinterest, Youtube, Tiktok…
|