Du lịch nông nghiệp, điểm sáng của chiến lược du lịch xanh

Phát triển du lịch xanh là chiến lược của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua, đây cũng là chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh"

 

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch xanh là chiến lược của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua, đây cũng là chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

Hướng đi xanh sau đại dịch

Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch có 2 nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh”.

Phát triển du lịch xanh là một trong những nhiệm vụ của Chương trình Phát triển du lịch nông thôn.

Nhóm nhiệm vụ thể chế, chính sách có 2 nhiệm vụ cụ thể là: “Xây dựng, triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với kinh tế xanh, kinh tế biển xanh” và “Hoàn thiện thể chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch cộng đồng. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam”. Nhóm nhiệm vụ “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh” cũng gồm 2 nội dung là: “Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng” và “Khuyến khích nhà đầu tư du lịch chú trọng đầu tư hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhằm tái sử dụng nước thải, rác thải cho các mục đích khác nhau”.

Tại Hội nghị Du lịch toàn quốc mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú mà không cần phải đầu tư nhiều. Với diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em… Người dân nông thôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, giúp phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19.

Hiện Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình “Làng du lịch thông minh - Smart Village” nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng,… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ.

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở nhiều địa phương đang gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp - OCOP”, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm... Do đó, du lịch nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong hỗ trợ duy trì, phát triển và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.

Tại Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh các mô hình trang trại nông nghiệp, hàng nghìn làng nghề nông nghiệp truyền thống về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nghề muối và thủ công mỹ nghệ, chế biến, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đang có những triển vọng phát triển rất lớn. Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hỗ trợ gắn với đặc điểm của từng địa phương, vùng miền sẽ là tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp, nhằm tạo đột phá về chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn; giúp nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước.

“Thắp sáng” du lịch nông thôn bằng sản phẩm đặc trưng vùng miền

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, các cấp, các ngành đang cùng nhau bàn về thị trường du lịch, mở cửa visa để tạo thuận lợi cho du khách. Cũng giống như nông nghiệp, nhiều khi tìm được thị trường rồi nhưng không có sản phẩm hoặc sản phẩm không đáp ứng được thị trường đó, không có đặc trưng hoặc chỉ đáp ứng được 1 lần không đáp ứng được nhiều lần, khách du lịch chỉ đến một lần không bao giờ quay lại… Do đó vừa mở cửa, vừa phải chuẩn bị thị trường, chuẩn bị sản phẩm có sự khác biệt, mang đặc trưng vùng miền, giàu cảm xúc.

Chuẩn bị sản phẩm cần có sự khác biệt, mang đặc trưng vùng miền, giàu cảm xúc.

“Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo ra điểm liên kết để du lịch nông nghiệp kéo dài. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ đề ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Cụ thể, chúng ta cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…); đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Để du lịch nông thôn thật sự trở thành điểm sáng, còn cần có sự quan tâm từ các bộ, ngành địa phương, có những chính sách hỗ trợ cụ thể, cần hướng đến những sự khác biệt ở mỗi vùng miền để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp thị trường cũng như nhu cầu của du khách./.

“Để tạo ra thương hiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút du khách, chúng ta cần hoàn thiện chính sách đặc thù cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; tạo sức mạnh nội sinh trong cộng đồng dân cư, kết nối với nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển kinh tế nông thôn toàn diện gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường quảng bá hình ảnh miền quê đáng sống, thân thiện và các nét đặc sắc riêng có về văn hóa, lịch sử, các sản phẩm OCOP đặc hữu, đặc sản hấp dẫn du khách...”.

Chuyên gia du lịch, TS. Ngô Kiều Oanh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận