“Ơ, đâu rồi?!” là câu hỏi bật ra trong đầu tôi khi ngỡ ngàng dừng xe trước đình Thị Cấm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm trong chuyến đi chụp ảnh các di tích trên địa bàn Hà Nội mới đây.
Đâu rồi di tích Quốc gia?
Một tin vui với những người yêu quý đình Thị Cấm là tháng 3/2021 vừa qua, Lễ hội Kéo lửa thổi cơm thi tại đình Thị Cấm chính thức được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Trước đó, đình Thị Cấm được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử Quốc gia vào năm 1989. Việc có 2 di sản Quốc gia trong cùng một không gian đình Thị Cấm càng thu hút người yêu văn hóa, lịch sử, kiến trúc dân gian. Tuy nhiên, những gì hiện ra trước mắt khi đến thăm đình Thị Cấm ngày 15/5/2021 khiến nhiều người không khỏi sửng sốt.
Gần như toàn bộ những hạng mục chính của đình Thị Cấm như phương đình, đại bái, hậu cung… đã “biến mất” hoàn toàn. Phần nền móng của một công trình đang được xây mới với ngổn ngang gạch vữa, bê tông, sắt thép… Hỏi một cụ ông đang ngồi uống nước trong gian nhà ngang thì được biết “đình đang được trùng tu”.
Khi phóng viên lấy máy ảnh, định chụp lại những hình ảnh thi công “trùng tu” đình thì lập tức có một người đàn ông xông ra ngăn chặn, định giằng máy ảnh của phóng viên, không cho chụp ảnh với những lời lẽ đe doạ khó nghe và yêu cầu ra khỏi đình.
Đình Thị Cấm có kiến trúc tam quan và đại đình quay mặt về hướng đông. Tiền tế của đình vốn có kết cấu chịu lực bằng gỗ được dựng vào thế kỷ 19, nhưng đã bị hạ giải và thay thế bằng vật liệu xi măng, sắt thép vào năm 1997; Phương đình được dựng lại năm 1936; Hậu cung cũng không còn nguyên những yếu tố kiến trúc ban đầu mà có thêm dấu tích của những lần trùng tu sau này. Đặc biệt trên thượng lương đình có ghi năm trùng tu 1950 và quá giang của hai bộ vì ở hậu cung ghi năm trùng tu gần đây hơn, năm 2003.
Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đình tuy đã được trùng tu, sửa chữa, tôn tạo nhiều lần, nhưng đến nay vẫn giữ dáng vẻ cũ, mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Di vật cổ còn tồn tại trong đình là sắc phong thần cho thành hoàng làng vào năm Vĩnh Thịnh thứ hai (1706). Ngoài ra, đình còn một tấm bia đá ở ngoài hiên nhà tiền tế, bia có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740), nội dung bia nói về việc bán phần cửa đình. Hằng năm dân làng tổ chức lễ hội đình từ ngày 12 - 22/2 âm lịch để tưởng nhớ công lao của thành hoàng. Trước đó, ngày mùng 8 tháng Giêng có hội kéo lửa thổi cơm thi, tái hiện cảnh người dân cung cấp quân lượng, thổi cơm cho binh lính ăn no trước khi ra trận, với rất đông người tham dự. Đây là lễ hội nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội mỗi khi Tết đến xuân về.
Đừng để “sự đã rồi”
Điều 34, Luật Di sản Văn hóa quy định: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích… Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. đối với di tích Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân”.
Về nguyên tắc, việc trùng tu di tích phải thực hiện một cách cụ thể, bài bản theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc nhiều di tích bị “biến dạng”, “trẻ hóa”, “làm mới” sau trùng tu, tôn tạo xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ riêng tại địa bàn thành phố Hà Nội những năm qua đã có hàng loạt di tích bị xâm hại dưới danh nghĩa trùng tu, như: Chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), đình Quang Húc (huyện Ba Vì), chùa Sổ, chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai), đình Lương Xá (huyện Chương Mỹ)… khiến người dân không khỏi lo lắng trước việc trùng tu, tôn tạo di tích không đúng quy định, làm sai lạc, thậm chí biến mất những giá trị văn hoá, lịch sử văn hoá của cha ông vốn là sự kết tinh từ lịch sử hàng ngàn năm để lại cho thế hệ mai sau.
Trao đổi với người dân sinh sống xung quanh đình Thị Cấm, được biết, trước thực trạng như “đập đi xây lại” khi trùng tu đình Thị Cấm, nhiều người lo lắng, nếu không có biện pháp quản lý triệt để, rất có thể sẽ có một ngôi đình Thị Cấm mới mọc lên trong nay mai, đặt các cơ quan chức năng trong tình thế “sự đã rồi”./.
(Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này)
Đình Thị Cấm thờ tướng quân Phan Ông Tây Nhạc (thời Hùng Vương thứ 18) và 3 phu nhân, trong đình có thờ tượng và bài vị. Thần phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, có ghi: Tướng quân Phan Ông Tây Nhạc vốn từ Châu Ái ra vùng ấp Canh cư ngụ, sau theo Tản Viên Sơn Thánh đi đánh quân Thục, được Vua Hùng gả cháu gái và phong ấp ở Canh. Dựa vào sắc phong có niên đại đầu thế kỷ 18 và văn bia có niên đại nửa đầu thế kỷ 18, có thể nhận định Đình Thị Cấm được khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.
|