Thực tế những năm qua đã có nhiều di tích lịch sử, văn hoá bị đập đi, xây mới trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Đây cũng là lo lắng của người dân xung quanh dự án trùng tu, tôn tạo đình Thị Cấm.
Đúng quy trình...
Trong số báo ra ngày 20/5/2021, Báo TNVN có bài: “Ơ, đâu rồi đình Thị Cấm?!” phản ảnh việc hạ giải toàn bộ các gian Đại bái, Phương đình, Trung cung, Hậu cung đình Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), để trùng tu theo Dự án trùng tu, tôn tạo đình Thị Cấm giai đoạn 2 đang khiến người dân băn khoăn, lo lắng, mặc dù dự án này đã được thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng phê duyệt.
Theo hồ sơ do UBND phường Xuân Phương cung cấp, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Thị Cấm đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thoả thuận tại văn bản số 2803/BVHTTDL-DSVH ngày 31/7/2020. Sở VH-TT thành phố Hà Nội thẩm định và cho ý kiến tại văn bản số 2031/SVHTT-QLDT ngày 5/8/2020. Phòng Quản lý đô thị - UBND quận Nam Từ Liêm thẩm định và phê duyệt tại văn bản số 38/TĐ-QLĐT ngày 14/9/2020. Cục Di sản văn hoá thoả thuận tại văn bản số 861//DSVH-DT ngày 9/12/2020. UBND TP. Hà Nội phê tại Quyết định số 4418/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 và điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 5215/QD-UBND ngày 29/12/2020. Với các nội dung: Tu bổ đình chính (dịch chuyển Đại bái, Phương đình, Trung cung, Hậu cung sang bên trái 1,3m); Xây mới am hoá vàng; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (sân, vườn, điện, chiếu sáng); Phòng cháy, chữa cháy; Chống mối công trình.
Theo hồ sơ dự án, đơn vị trúng thầu thi công và đơn vị giám sát đều là những công ty có đầy đủ chức năng, ngành nghề hợp pháp trong lĩnh vực trùng tu, tôn tạo di tích. Đơn vị thi công có lập hồ sơ thiết kế, phương án thi công đầy đủ. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương, cho biết: “Trước khi triển khai dự án, địa phương đã tổ chức lấy ý kiến người dân và niêm yết công khai trong cộng đồng. Đơn vị thi công, đơn vị giám sát thi công đều được lựa chọn thông qua đấu thầu công khai. Hồ sơ thiết kế và phương án thi công đều được đơn vị thi công thực hiện theo quy định của pháp luật”.
...nhưng chưa đủ!
Điều 34, Luật Di sản Văn hóa quy định: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích… Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. Đối với di tích Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL...
Chương III, Điều 18, Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, nêu rõ: Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích; Giám đốc Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia sau khi có văn bản thẩm định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh sau khi có văn bản thẩm định của Giám đốc Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT.
Chương II, Điều 13, Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nêu rõ: Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích cấp tỉnh; có văn bản đề nghị Cục Di sản văn hóa tham gia ý kiến đối với thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị. Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị. Việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công bảo quản hiện vật được thực hiện như quy định đối với thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích.
Quy định pháp luật khá chặt chẽ và chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp chính quyền, bộ ngành. Tuy nhiên, theo hồ sơ dự án mà UBND phường Xuân Phương cung cấp ngày 27/5/2021, hồ sơ thuyết trình phương án thi công, hạ giải Di tích Quốc gia đình Thị Cấm chỉ được thông qua bởi UBND phường Xuân Phương, đơn vị thi công và đơn vị giám sát thi công. Các cấu kiện di tích sau khi hạ giải cũng chưa có hồ sơ thống kê, phân loại, bảo quản, chưa có biên bản thẩm định sau khi hạ giải của các cơ quan chuyên môn theo quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL.
Đình là không gian sinh hoạt cộng đồng, là tài sản chung của người dân địa phương qua nhiều thế hệ. Việc trùng tu, tôn tạo di tích không tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng di tích bị “biến dạng”, “trẻ hóa”, “làm mới” sau trùng tu, tôn tạo khiến người dân lo lắng cũng là điều dễ hiểu./.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc mời các cơ quan chuyên môn, lập hội đồng thẩm định các cấu kiện di tích sau khi hạ giải bị gián đoạn. Địa phương sẽ cố gắng hoàn thiện hồ sơ đánh giá, thẩm định các cấu kiện ngay khi điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn cho di tích”. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương |