Nối nhịp 'Ngàn năm sênh phách'

Thăng trầm cùng lịch sử, ca trù đã có giai đoạn bị hiểu lầm, bị gạt bỏ đến gần như biến mất trong đời sống văn hoá của người Việt...

 

Thăng trầm cùng lịch sử, ca trù đã có giai đoạn bị hiểu lầm, bị gạt bỏ đến gần như biến mất trong đời sống văn hoá của người Việt cho đến khi hồi sinh vào năm 2009 - sau khi được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ca trù vẫn chưa thực sự thoát khỏi kiếp long đong.

Thăng trầm “Ngàn năm sênh phách”

“Nghệ thuật Ca trù qua thời gian - ngàn năm sênh phách” là nội dung cuộc tọa đàm do Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức mới đây nhằm làm rõ, tôn vinh những giá trị của nghệ thuật Ca trù.

Cố GS. Trần Văn Khê từng nhận định “Ca trù là lối hát đặc biệt của nước Việt”. Lý giải về hai chữ đặc biệt này, NSND Việt Hương đã chứng minh cho nhận định của giáo sư Trần Văn Khê: Ca trù là một nghệ thuật biểu diễn cổ truyền mang trong mình cả lịch sử nghìn năm, vừa mang chức năng nghi lễ, vừa là một thú chơi tao nhã, vừa phổ biến ở chốn dân gian, lại vừa vào đến cung vua phủ chúa cao sang.

NSND Việt Hương (Ngoài cùng bên phải) trong một chuyến điền dã tìm hiểu ca trù

Cùng với phần trình bày của diễn giả và khách mời, tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn được xem bộ phim tài liệu khoa học mang tên “Ngàn năm sênh phách” do NSND Việt Hương làm đạo diễn. Theo chia sẻ của nữ đạo diễn, bộ phim kể lại câu chuyện về Ca trù theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, theo từng bước thăng trầm của nghệ thuật Ca trù từ điểm khởi nguồn vào thời Lý với lối hát đào nương (hay còn gọi là hát ả đào) cho tới thời Lê thì mới xuất hiện tên gọi Ca trù. Tư liệu lịch sử còn ghi về những cuộc thi hát ở Kinh thành Thăng Long, trong các cuộc thi ấy người ta dùng những chiếc thẻ có ghi mệnh giá để thưởng cho đào nương. Thẻ ấy gọi là trù, và chữ Ca trù xuất phát từ đấy. ca trù phát triển cực thịnh nhưng cũng đã có thời kỳ Ca trù bị hiểu lầm, bị “hắt hủi” đến gần như biến mất.

Mặc dù cao sang là thế, tao nhã là thế, nhưng trước khi được Unesco vinh danh, đã từng có thời kỳ những bậc tiền bối Ca trù như danh cầm Chu Văn Du từng làm một anh thợ giặt, thợ sơn vôi; đệ nhất danh ca Quách Thị Hồ đi gánh nước thuê kiếm sống... soi vào mới thấy Ca trù đã trải qua bao nhiêu bước thăng trầm!

Ca trù cần được nhìn nhận đúng đắn, cần được người dân nhận thức trong nhiều không gian văn hoá truyền thống từ lịch sử tới hiện tại để đánh giá đúng giá trị của nó. Cần đặt Ca trù trong không gian đa văn hóa, trong tổng thể của các thể loại văn học - nghệ thuật để nhận thức đúng giá trị của môn nghệ thuật đặc biệt này.

Để ca trù tồn tại một cách bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân cao tuổi, đào tạo lớp trẻ.

“Bộ phim tài liệu “Ngàn năm sênh phách” không chỉ kể lại chuyện trong quá khứ về số phận thăng trầm của Ca trù, một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã góp phần quan trọng kiến tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Bộ phim còn vẽ nên bức tranh toàn cảnh của Ca trù trong bối cảnh hiện tại với muôn vàn khó khăn đang rất cần cả xã hội chung tay bảo tồn, phát triển”, NSND Việt Hương bày tỏ và mong mỏi.

Tại buổi tọa đàm, NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thái Hà, một giáo phường đã có 7 đời làm nghề và truyền nghề liên tục ở Hà Nội cũng đã giới thiệu về một làn điệu hát nói trong Ca trù, bày tỏ: “Chúng tôi hi vọng, từ hiểu ít đến hiểu nhiều các thể cách hát nói, mọi người sẽ thêm yêu và cùng chúng tôi gìn giữ lấy các thể cách thơ hát nói mà cha ông đã để lại, đến nay có nguy cơ bị mai một, thất truyền”.

Dù đã được Unesco vinh danh nhưng Ca trù vẫn chưa hết những bước thăng trầm

Để “đặc sản” ca trù có “đất” sống

Nếu trước kia, ca trù kén người hát, kén người nghe do đây là thể loại âm nhạc khó nhưng với giá trị quý nên số lượng các câu lạc bộ (CLB), nhóm hát ca trù đã tăng lên. Năm 2017, Hà Nội có 14 nhóm, CLB hát ca trù thì đến năm 2019 tăng lên 16 nhóm, câu lạc bộ với số lượng người thực hành, sinh hoạt khoảng 250-300 người. Ca trù hồi sinh khi có sự gia tăng đáng kể về số lượng CLB, đào nương, kép đàn, “trẻ hóa” thế hệ kế cận thực hành và thu hút khá đông khán giả. Các CLB ca trù trên địa bàn thành phố về cơ bản vẫn duy trì hoạt động, thực hành di sản thường xuyên theo lịch cố định. Đồng thời, việc tổ chức các lớp truyền dạy đàn hát ca trù, các làn điệu thể cách được thực hành với số lượng nhiều hơn và khó hơn.

Ca trù hồi sinh đã 15 năm, trong thời gian đó, có giai đoạn khá dài ca trù trở thành “đặc sản” trong khu phố cổ Hà Nội đối với du khách quốc tế và những người yêu nghệ thuật ca trù khi CLB ca trù Hà Nội, Giáo phường ca trù Thái Hà, Giáo phường ca trù Thăng Long… đều biểu diễn định kỳ mỗi tuần trong Khu phố cổ Hà Nội và tại Bích Câu đạo quán phục vụ du khách. CLB lữ hành Hà Nội hợp tác cùng các giáo phường tổ chức các suất diễn phục vụ du khách trong Hoàng thành Thăng Long… Những năm gần đây đã xuất hiện thêm một số điểm diễn định kỳ hoặc theo sự kiện như: Cao Sơn trà quán, số 60S ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên (Đống Đa), là nơi xưa kia có nhiều ca quán hoạt động trong giai đoạn ca trù phát triển rực rỡ. Hay điểm biểu diễn Đêm Ả đào tại Bụt trà quán (Tòa S201 Vinhome Ocean Park - Gia Lâm),… nhưng đến hiện tại, tiếng hát ca trù vẫn chỉ thoáng bổng thoáng trầm giữa ồn ào thanh âm cuộc sống của người dân thủ đô. Ca trù sống được đến hôm nay vẫn chỉ dựa chủ yếu vào tấm lòng của những người nghệ sĩ đau đáu với vốn quý dân tộc.

Ca trù hồi sinh đã 15 năm, trong thời gian đó, có giai đoạn khá dài ca trù trở thành “đặc sản” du lịch Thủ đô.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, điều kiện kinh tế và nhu cầu xã hội giảm sút dẫn đến tình trạng một số CLB hoạt động đã không còn thực sự hiệu quả, quy mô hạn chế như: CLB ca trù Cầu Đơ, CLB ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Trung tâm UNESCO ca trù (quận Ba Đình). Nhóm ca trù của nghệ nhân, Nghệ sĩ Ưu tú Phó Thị Kim Đức hiện nay chỉ truyền dạy và sinh hoạt mang tính chất phạm vi nội bộ gia đình. Về cơ bản, các CLB vẫn tự chủ động, độc lập trong việc lựa chọn phương thức, thực hành bảo tồn di sản tại CLB và địa phương mình.

Để ca trù tồn tại một cách bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân cao tuổi, đào tạo những người trẻ, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực. Đồng thời, cần có biện pháp quảng bá để sinh hoạt ca trù đến với người dân và phục vụ tốt hơn khách du lịch quốc tế, tạo đất sống cho nghệ sĩ có thể sống được với ca trù.

Khán giả đến với các canh hát là khách du lịch, trong đó, khách quốc tế chiếm tới 90%.

Theo ca nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long, khán giả đến với các canh hát là khách du lịch, trong đó, khách quốc tế chiếm tới 90%. Tuy không gian biểu diễn sinh hoạt ca trù khá chật hẹp, nhưng có những buổi biểu diễn đạt lượng khách từ 30 - 40 người. Sau thời điểm ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2009), không ít khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đều tỏ ý muốn thưởng thức loại hình nghệ thuật này.

Nhận thức được du lịch chính là lối đi đúng cho tương lai của ca trù, tuy nhiên, hầu hết các giáo phường, CLB ca trù trên địa bàn Hà Nội chỉ biểu diễn một năm đôi ba lần. Riêng có CLB Ca trù Hà Nội và Giáo phường Ca trù Thăng Long hoạt động thường xuyên nhất, do có lợi thế về địa điểm hoạt động trong khu phố cổ nên số lượng khách đến thưởng thức ca trù ngày một đông. Nhiều công ty du lịch trên địa bàn đã nhanh chóng đưa ca trù vào tour tham quan phố cổ. Nhờ vậy, số lượng khách đến với các buổi biểu diễn tăng dần và bước đầu mang lại thu nhập cho các thành viên trong CLB, tạo điều kiện để họ yên tâm gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Đây cũng là động lực kích thích loại hình nghệ thuật này chuyển mình, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thời đại./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận