Tháo điểm nghẽn cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao' là một vấn đề thời sự rất quan trọng

 

“Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” là một vấn đề thời sự rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn về phát triển văn hóa, thể thao, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là chủ đề của cuộc Hội thảo Văn hóa 2024 vừa diễn ra tại Quảng Ninh.

Nhiều bất cập

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Theo ông Thắng, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và tồn tại những nghịch lý, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục. Cụ thể, kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”. Một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang gây ra lãng phí lớn. Kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao nhìn chung rất hạn hẹp dẫn tới nhiều cơ sở chỉ đủ để hoạt động cầm chừng. Tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thỏa đáng. “Có một thực tế, chủ trương của Đảng đã rõ nhưng khi đi vào tổ chức thực hiện thì nhiều địa phương, đơn vị vẫn không biết phải bắt đầu làm từ đâu và phải làm như thế nào. Không ít chính sách, quy định của pháp luật vẫn nặng về hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm”, ông Thắng cho hay.

Cần bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi.

Báo cáo của Bộ VH-TT-DL cùng có chung nhận định hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cả ở trung ương và địa phương. Đơn cử, đối với hệ thống bảo tàng, sau gần 20 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, mới chỉ có Bảo tàng Dân tộc học được đầu tư xây dựng năm 2006, còn lại các dự án đầu tư xây dựng các bảo tàng cấp quốc gia khác như (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đều chưa thực hiện được theo lộ trình đề ra do không bố trí được nguồn vốn.

Hiện nay, còn bốn đơn vị có trụ sở làm việc nhưng chưa có cơ sở biểu diễn gồm Nhà hát Nhạc, vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Các đơn vị này thường xuyên phải thuê địa điểm biểu diễn với nguồn kinh phí lớn.

Ngược lại, có đơn vị đã có cơ sở biểu diễn nhưng lại chưa có trụ sở làm việc riêng. Đặc biệt, Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ là nơi biểu diễn nhưng không có đơn vị nghệ thuật, hiện trở thành địa điểm cho thuê để tổ chức biểu diễn…

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao cũng trong tình trạng tương tự. Có thể kể đến như Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tập luyện của vận động viên; tỷ lệ đáp ứng của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM còn thấp hơn, chỉ 30%.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao diễn ra ở nhiều địa phương. Một số thiết chế hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được sự tham gia của người dân. “Đây là sự lãng phí lớn ngân sách nhà nước”, ông Thắng nói.

“Đa số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch chưa được hưởng ưu đãi đầu tư. Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao chồng chéo tại nhiều đề án, nhưng chưa đủ để tạo động lực phát triển đột phá”.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

Cần tháo điểm nghẽn đầu tư

Ông Lê Minh Nam, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận khó khăn trong huy động xã hội hóa do chính sách không đồng bộ, nhất là quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ví dụ, chỉ có một số hoạt động thể thao có thế mạnh, tạo được nguồn thu từ quảng cáo như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông mới thuận lợi cho việc áp dụng PPP. Các hoạt động thể thao truyền thống như võ, vật cổ truyền, đua thuyền, kéo co đều gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn thu. “Cần điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực thể thao hợp lý hơn so với luật hiện hành. Tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng, có thể là rào cản đối với các dự án thuộc lĩnh vực thể thao có quy mô nhỏ”, ông Nam nêu ý kiến.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức PPP, bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần được sửa đổi theo hướng khoản tài trợ cho văn hóa, thể thao được miễn giảm thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận một số nội dung trọng tâm như hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách. Phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí phát triển của các thiết chế, gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động và cơ chế vận hành. Đánh giá, rà soát hệ thống các quy định về thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay, trong đó có những luật đã ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao...

 

Bình luận

    Chưa có bình luận