Kon Tum: Bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch

Bảo tồn di sản văn hóa không có nghĩa là 'đóng gói' và 'cất kỹ', mà cần được nhìn nhận, triển khai trên góc độ giữ gìn, lan tỏa và...

 

Bảo tồn di sản văn hóa không có nghĩa là “đóng gói” và “cất kỹ”, mà cần được nhìn nhận, triển khai trên góc độ giữ gìn, lan tỏa và phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Giữ gìn “hồn cốt” của đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh Kon Tum được đánh giá rất phong phú, đa dạng, là sự thể hiện sinh động phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng khác nhau, được bảo tồn và lưu truyền từ đời này sang đời khác, thông qua nhiều loại hình, từ luật tục, kiến trúc, lễ hội, đến nhạc cụ, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, nghề truyền thống. Trong đó, nổi bật là di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Di sản văn hóa cồng chiêng là “hồn cốt” trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum

Di sản văn hóa cồng chiêng đóng vai trò rất quan trọng, là “hồn cốt” trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum. Các nghi lễ, lễ hội liên quan đến vòng đời con người (từ lễ thổi tai của trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả); vòng đời cây lúa (từ lễ trỉa lúa đến thu hoạch, đóng cửa kho); sự phát triển cộng đồng (lễ máng nước, mừng nhà rông mới)... đều không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng.

Tỉnh Kon Tum xác định di sản văn hóa cồng chiêng là một trong những sản phẩm đặc trưng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng… được thường xuyên thực hành để phục vụ du khách đến với cộng đồng làng, điểm du lịch, khu du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước về bản sắc văn hóa, con người Kon Tum, trong đó có di sản văn hóa cồng chiêng.

Trải nghiệm văn hóa cồng chiêng tại Điểm du lịch Văn hóa A Biu, thôn Plei Klech, xã Ngok Bay, thành phố Kon Tum.

“Nhận thức được giá trị và vai trò của văn hóa cồng chiêng, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, ngoài việc sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như trước đây, cồng chiêng còn được thực hành thường xuyên trong các hoạt động giao lưu văn hóa do các cấp, ngành tổ chức; đồng thời, được xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng và sử dụng như một trong những thành tố văn hóa quan trọng để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh KonTum cho biết.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh KonTum, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 2.315 bộ cồng chiêng, so với thời điểm năm 2017 là toàn tỉnh có 1.916 bộ cồng chiêng, kết quả này đã thể hiện vai trò, ý nghĩa ngày càng quan trọng của văn hóa cồng chiêng trong đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số và nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của tỉnh Kon Tum.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có tổng số 503 thôn/làng của 7 đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, bao gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm; với 653 đội nghệ nhân cồng chiêng (trong đó có 107 đội cồng chiêng trong độ tuổi thanh thiếu nhi, chiếm tỉ lệ 16,3% tổng số, và có 50 đội cồng chiêng trong các cấp trường học, chiếm tỷ lệ 7,7% tổng số đội cồng chiêng) với khoảng 20.000 người thực hành và trên 8.460 người theo học.

Phát huy nguồn lực văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch

Văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, du khách đến Kon Tum đều có thể thấy rõ hiệu quả từ các hoạt động nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền hướng dẫn các học viên kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng.

“Trong nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp đã đề cập việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá là nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tuỳ tình hình của địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động phù hợp như: Ngày hội văn hóa các dân tộc, liên hoan, hội thi, Liên hoan... được tổ chức định kỳ để hưởng ứng tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Các công ty du lịch hỗ trợ, khai thác loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, về nguồn, để du khách tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá bản địa, trong đó có văn hóa cồng chiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng” ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Trước đây, di sản văn hóa cồng chiêng thường hiện diện chủ yếu trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của cộng đồng… Hiện nay, tại các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đều thành lập ít nhất một đội nghệ nhân cồng chiêng nói riêng, đội nghệ nhân, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian nói chung để sẵn sàng thực hành di sản trong mọi sinh hỏa văn hóa cộng đồng và tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ du khách, đem lại thu nhập cho người dân. Một số đội cồng chiêng đã có thương hiệu, tạo sức hút cho du lịch địa phương, như đội cồng chiêng, xoang thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành (huyện Kon Plông); đội chiêng, xoang thôn Kon Pring (thị trấn Măng Đen, Kon Plông).

Trình diễn cồng chiêng phục vụ du khách tại Làng Lê Văng, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Tại đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh Kon Tum xác định đến năm 2025, tất cả các làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; 50% làng đồng bào dân tộc thiểu số khác có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng được hỗ trợ cồng chiêng nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc; thành lập các Câu lạc bộ về văn hóa dân gian, phấn đấu đến năm 2025, 10/10 huyện, thành phố có ít nhất 2 câu lạc bộ. Bên cạnh đó, 100% cán bộ văn hoá xã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hoá tại địa phương; 10/10 huyện, thành phố tổ chức các lớp truyền dạy về kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, xoang và chỉnh âm cồng chiêng trong làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là lớp trẻ tại địa phương.

Trong công tác bảo tồn văn hóa, vai trò của các nghệ nhân hết sức quan trọng. Bởi họ là người am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa của dân tộc, là người thổi hồn vào lớp trẻ về bản sắc tốt đẹp của dân tộc thông qua việc thực hành, truyền dạy những kỹ năng, kỹ thuật thực hành di sản văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, trong quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc, tỉnh Kon Tum luôn luôn quan tâm, động viên để các nghệ nhân thực hiện tốt nhiệm vụ này./.

Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh    Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số; triển khai đồng bộ hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại; tiếp tục từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn; giới thiệu, quảng bá giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum đến bạn bè trong và ngoài nước; gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận