Sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế có 'hộ chiếu vaccine'

'Hộ chiếu vaccine' phòng Covid-19 dùng để theo dõi lịch sử tiêm chủng của người dân, giúp họ thuận tiện trong việc xuất nhập cảnh giữa các quốc gia...

 

“Hộ chiếu vaccine” phòng Covid-19 dùng để theo dõi lịch sử tiêm chủng của người dân, giúp họ thuận tiện trong việc xuất nhập cảnh giữa các quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề đang được người dân cả nước, đặc biệt là những người làm trong ngành du lịch, hàng không, vận tải… quan tâm.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Việc người dân có “hộ chiếu vaccine” và chấp nhận nhập cảnh đối với du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” có thể sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, vận tải… Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với các Bộ, ngành, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc xem xét mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh. Bộ VH-TT&DL đã giao Tổng cục Du lịch nghiên cứu, đề xuất và phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo trình chính phủ về việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế theo lộ trình, đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch.

Đón khách quốc tế là lối thoát cho ngành du lịch, hàng không, vận tải...Ảnh: T.C

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và một số địa phương, doanh nghiệp, thảo luận về những biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện được thí điểm việc mở lại thị trường du lịch quốc tế.

Ông Khánh khẳng định: Việc mở lại các đường bay, đón khách du lịch quốc tế là vấn đề rất bức thiết. Chúng ta biết rằng hiện nay, vaccine phòng Covid-19 đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới tiêm chủng đại trà. Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng được ưu tiên. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nhập khối lượng vaccine lớn hơn và tiến hành tiêm chủng rộng rãi hơn.

Theo ông Khánh, để thực hiện được phương án mở lại thị trường khách du lịch quốc tế, thí điểm đón khách có “hộ chiếu vaccine”, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, trong việc hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch, cũng như hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến “hộ chiếu vaccine”.

Về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hộ chiếu  vaccine” vẫn còn là một vấn đề đang được nghiên cứu thảo luận trên thế giới, đòi hỏi các nước phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng theo quy định để có được miễn dịch cộng đồng. Đến nay, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine trong tương lai và xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tượng tiêm chủng bằng mã QR, đảm bảo tính xác thực thông tin tiêm chủng  vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Bộ Y tế cũng đã làm việc với cơ quan đầu mối y tế quốc tế (IHR) các nước để phối hợp, đề xuất phương án áp dụng hộ chiếu vaccine phù hợp khi đủ điều kiện và tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi của người dân các nước đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Các nhà mạng thông tin, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4/2021.

Du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu toàn ngành du lịch. Ảnh: T.C

Lợi thế từ công tác tuyên truyền

Trong bối cảnh du lịch cả thế giới bị đóng băng suốt năm 2020, khi Việt Nam không thể tuyên truyền xúc tiến quảng bá trực tiếp tại nước ngoài thông qua các sự kiện quốc tế, hội chợ du lịch..., thì thông qua các nền tảng trực tuyến, thông tin về du lịch Việt Nam vẫn được duy trì, đảm bảo, giúp cho hình ảnh du lịch Việt Nam được cung cấp thường xuyên, đầy đủ tới các thị trường nguồn, đặc biệt là thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19. Bởi vậy, năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp du lịch Việt Nam đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá của các tổ chức du lịch thế giới, như: Điểm đến hàng đầu châu Á về di sản; Điểm đến hàng đầu châu Á về văn hoá; Điểm đến hàng đầu châu Á về văn hoá ẩm thực.

Ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ: Chúng ta biết rằng, trong những năm vừa qua, 3 loại hình: văn hoá, di sản, ẩm thực là 3 dòng sản phẩm cốt lõi, chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam đến năm 2030. Thực tế trong những năm vừa qua, những dòng sản phẩm này đã phát huy, thu hút rất nhiều du khách đến Việt Nam. Với những giải thưởng như vậy trong năm 2020 đã chứng tỏ Việt Nam là một điểm đến du lịch rất hấp dẫn. Đây là tiền đề để Việt Nam có được vị thế cạnh tranh đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

“Năm 2020 cũng là năm thứ 4 Việt Nam được tổ chức giải thưởng Golf thế giới đánh giá là Điểm đến hàng đầu của châu Á, vượt qua rất nhiều các quốc gia có truyền thống phát triển loại hình du lịch golf khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Điều đó chứng tỏ cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ loại hình du lịch goft hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu du khách thế giới”, ông Khánh cho biết.

Năm 2020 cũng là năm bội thu giải thưởng của du lịch Việt Nam đối với các điểm đến và các doanh nghiệp du lich. Tất cả các giải thưởng danh giá đó đã khẳng định chất lượng và thương hiệu du lịch Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh, điều đó hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi du lịch Việt Nam năm 2021, đặc biệt là khi việc đi lại giữa các nước được phục hồi.

Lối thoát nhưng phải an toàn

Việc người dân có “hộ chiếu vaccine” và đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” là vô cùng cần thiết, là lối thoát cho ngành du lịch, hàng không, vận tải… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu để hoàn thiện các giải pháp, quy trình, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam giành danh hiệu Điểm đến hàng đầu Châu á về văn hóa, di sản và ẩm thực. Ảnh: T.C

Hiện nay, trên thế giới có nhiều loại vaccine Covid-19 khác nhau, với đánh giá hiệu quả miễn dịch khác nhau, có loại 74%, có loại  90%... câu hỏi là thời gian tồn tại miễn dịch bao lâu. Bên cạnh đó, vaccine vừa tiêm cũng chưa có hiệu lực phòng bệnh ngay, thông thường phải từ 7 đến 15 ngày thì cơ thể mới sản sinh ra kháng thể và sau tiêm tiếp mũi 2 mới có khả năng bảo vệ (đó là đối với vaccine phải tiêm 2 mũi). Các loại vaccine Covid-19 đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp; sự xuất hiện liên tục các biến thể virus có tác động lên vaccine; “hộ chiếu vaccine” giả… là những vấn đề mà người dân đang rất quan tâm.

Ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang khuyến cáo, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp, như có thể kết hợp “hộ chiếu vaccine” với xét nghiệm để quyết định. Vì vậy, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” của chúng ta phải có kế hoạch và giải pháp thận trọng, với tinh thần đảm bảo an toàn là trên hết./.

“Mặc dù trong năm 2020, có những thời điểm lượng khách du lịch nội địa vượt qua giai đoạn trước dịch. Tuy nhiên, tỷ trọng du lịch nội địa trong toàn ngành du lịch không cao (khoảng 30% doanh thu toàn ngành). Do vậy, khôi phục du lịch quốc tế vẫn là định hướng quan trọng của ngành du lịch”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận