Cần 'bắt đúng bệnh' của thị trường chứng khoán

Từ đầu năm 2022 đến nay, VN-Index không những mất mốc 1500 mà còn liên tục lao dốc và có thời điểm xuống mức hơn 1100 điểm, khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng.

 

Năm 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam ngập tràn hứng khởi, với VN-Index ngấp nghé 1500 điểm, trước đó là đỉnh 1500,81 điểm vào ngày 25/11/2021, cao nhất trong 21 năm hoạt động. Thanh khoản của thị trường đạt bình quân gần 21.600 tỷ đồng/phiên và khối lượng hơn 737 triệu cổ phiếu/phiên. Nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,53 triệu tài khoản, tăng hơn gấp rưỡi so với năm 2020, cao hơn nhiều so với tổng số tài khoản mới của 4 năm 2017 - 2020 cộng lại. Số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước đã vượt 4,2 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 4,3% dân số.

Thế nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Ngay những phiên đầu của năm 2022, vụ bán chui 75 triệu cổ phiếu FLC của Trịnh Văn Quyết, rồi tiếp đó là vụ lừa đảo của Đỗ Anh Dũng và đồng bọn tại Tân Hoàng Minh đã khiến thị trường chao đảo. VN-Index không những mất mốc 1500 mà còn liên tục lao dốc và có thời điểm xuống mức hơn 1100 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại thị trường có thể quay về ngưỡng dưới 1000 của hơn 10 năm trước. Cùng với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất ổn.

Thị trường chứng khoán biến động khó lường

Sau nhiều nỗ lực xử lý các doanh nghiệp làm ăn gian dối, trục lợi trên thị trường, hay còn gọi là các giải pháp thanh lọc thị trường chứng khoán của cơ quan chức năng, nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ dần dần ổn định, quay về ngưỡng kháng cự 1280 - 1300, dù khó lấy lại mốc 1500 điểm. Nhưng thực tế là hơn nửa năm qua, thị trường gần như không thể hồi phục. Ngưỡng kháng cự 1280 gần đạt được thì đã mất mốc. Các cổ phiếu đều giảm giá mạnh khiến cho vốn liếng của hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ bị sụt giảm đáng kể. Giao dịch phập phù, sáng tăng chiều giảm. Thanh khoản thấp, có phiên chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Những bất ổn trên thị trường chứng khoán đã khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải thốt lên rằng: "Thị trường chứng khoán sáng nắng chiều mưa, không ngày nào ổn định".

Tính không ổn định là căn bệnh khó chữa

Có thể thấy, tính không ổn định đang là căn bệnh khó chữa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đành rằng, thị trường hoạt động theo quy luật cung cầu và chịu nhiều tác động khách quan, ví dụ như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed điều chỉnh lãi suất. Nhưng việc cơ quan chức năng thanh lọc thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát huy tác dụng ổn định thị trường như mong muốn, và dù kinh tế đang phục hồi hấp thụ tốt gói kích thích mà thị trường vẫn èo uột thì có nên đặt câu hỏi: chúng ta đã "bắt đúng bệnh" và "kê đúng thuốc" cho thị trường hay chưa? Có "bàn tay ngầm" nào đứng đằng sau tình trạng liên tục trồi sụt của thị trường?

Dù sao thị trường chứng khoán Việt Nam còn đầy sức hút với các nhà đầu tư, mới đây có thêm quỹ ETF của Hong Kong rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán là nguồn cung vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Do đó cần "bắt đúng bệnh" để khôi phục "sức khỏe", thu hút đa dạng nguồn vốn trong và ngoài nước vào thị trường đầy hứa hẹn này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận