Ngân hàng giảm lãi suất, GDP tăng trưởng vượt kỳ vọng, xuất khẩu bắt đầu có đơn hàng trở lại, Chính phủ quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED không tăng lãi suất tại kỳ họp gần đây nhất... Từng đó thông tin tích cực lẽ ra phải giúp thị trường chứng khoán tích cực. Thế nhưng, ngược lại, sau khi lên mức cao nhất của năm 2023 là 1.251 điểm và tạo mẫu hình 2 đỉnh vào nửa đầu tháng 9, thị trường chứng khoán tiếp tục rung lắc mạnh với thanh khoản thấp. Có thời điểm giao dịch trong phiên VN-Index đã suýt để mất mốc 1.100 điểm.
Thị trường tăng giảm trồi sụt, không nhóm ngành nào giữ được vị thế dẫn dắt, chỉ số giảm mạnh về cuối phiên, tiền không vào thị trường... chính là những yếu tố khiến cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cảm thấy bất an, không muốn tiếp tục tham gia. Đã có khá nhiều hội nhóm chứng khoán trên Zalo, Facebook kêu gọi thành viên đứng ngoài quan sát để bảo toàn vốn, bởi lẽ, khi không xuất hiện nhóm ngành dẫn dắt thị trường thì dù có phân tích kỹ lưỡng thế nào mọi quyết định đầu tư đều có thể sai lầm vào phút chót.
Điều gì đang khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên bất an như vậy? Trước hết là từ những thông tin kinh tế nội tại. Việc Ngân hàng Nhà nước huy động 100.000 tỷ đồng trái phiếu đã là một đòn giáng chí mạng vào thị trường đang hồi phục thận trọng. Ngành kinh tế chủ lực là bất động sản tuy có phục hồi một phần với hoạt động mua lại trái phiếu, trả nợ ngân hàng... nhưng chưa đủ để cổ phiếu bất động sản có thể kéo thị trường, dẫn tới các nhóm ngành liên quan như ngân hàng, chứng khoán chưa có động lực để tăng thị giá. Trong khi đó, nhóm đầu tư công và các doanh nghiệp liên quan như sắt thép, vật liệu xây dựng chưa thực sự tăng tốc để có thể dẫn dắt thị trường.
Cùng với đó, VFS (VinFast) - cổ phiếu Việt Nam đầu tiên được niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) - liên tiếp giảm giá mạnh và dừng lại ở mức 6,53 USD, tức là chưa bằng 1/3 giá khởi sàn ngày đầu tiên lên sàn Nasdaq. Ở thời điểm 15/8/2023, VFS được đưa ra giá 22 USD. Địa chính trị, địa kinh tế thế giới đầy bất ổn khiến cho hoạt động kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nhiều, từ đó tác động tiêu cực tới Việt Nam. Giá vàng SJC - thương hiệu vàng quốc gia Việt Nam - đã vượt ngưỡng 71.000.000 đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới vào 17h11 (giờ Việt Nam) ngày 17/10/2023 lên hơn 1.923 USD/ounce (quy đổi tương đương 56.764.000 đồng/lượng chưa kể thuế phí). Tỷ giá cùng ngày lên 24.500 đồng/USD. Đó là lý do khối ngoại bán ròng trong những phiên gần đây.
Tất cả những yếu tố này tác động không tích cực tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù theo đánh giá của cơ quan chức năng, chúng ta đã đáp ứng được 10/12 tiêu chí lớn để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều quan trọng là giữ được sự ổn định thị trường, bởi nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh với mức tăng trưởng trung bình 20% - 30% mỗi năm như đã nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021-2030./.