Theo Bộ NN&PTNT, việc sản xuất lương thực, thực phẩm của các tỉnh phía nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến các địa phương lo ngại, áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch khiến việc phân phối hàng hoá gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhiều nơi sản phẩm ùn ứ, giá nông sản giảm mạnh, trong khi đó nhiều nơi lại thiếu hụt trầm trọng, giá tăng cao.
Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, 2/3 chợ đầu mối nông sản lớn phải đóng cửa, dừng hoạt động nhằm đảm bảo công tác phòng chống lây lan dịch bệnh như chợ Hóc Môn dừng hoạt động từ ngày 28/6/2021, chợ Bình Điền dừng hoạt động từ ngày 6/7/2021. Tại Long An, hơn 50% số kho (khoảng 72 kho) thanh long đóng cửa. Xuất khẩu chanh của Long An gặp khó khăn do thương lái thu mua chậm, chi phí vận chuyển tăng cao gấp 2-3 lần... Giá nhiều nông sản giảm mạnh khi các đợt dịch bùng phát trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch rộ, ví dụ khoai lang tím tại Vĩnh Long, xoài tại Khánh Hòa. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái lo ngại. Container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao…
Trong khi đó, nếu tính khả năng tự cung ứng, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh chỉ có thể bảo đảm từ 10-15% nhu cầu lương thực. Như vậy, tuỳ từng loại thực phẩm, nếu không có cung ứng từ địa phương khác thì sẽ thiếu từ 85-90% so với nhu cầu. Theo rà soát hiện nhu cầu của thành phố đang thiếu 1.500 tấn rau củ, 300.000 - 400.000 quả trứng/ngày. Do nguồn cung ứng bị gián đoạn nên giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2021 trên địa bàn TP.HCM đều tăng so với các tháng trước đó. Cụ thể giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước, trong đó rau củ quả tăng mạnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm.
Nhiều địa phương phản ánh, mặc dù luôn sẵn sàng nhưng việc cung ứng thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh đang gặp một số trở ngại. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai mong muốn khi các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh mở lại sẽ thông tin chi tiết chính xác cho tiểu thương biết nhu cầu lượng thực TPHCM
cần Đồng Nai cung cấp. Đại diện Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, khó khăn của Thành phố là vận chuyển hàng hóa, phải đi qua nhiều trạm kiểm soát dịch. Đại diện Cần Thơ đề xuất mô hình vận chuyển hàng hóa, con giống đi các tỉnh cần cơ chế ưu tiên, “luồng xanh” cho nông sản. Đầu cầu Đồng Tháp cho biết, tỉnh cố gắng kết nối các doanh nghiệp để tạo luồng đi cho nông sản. Ngoài ra, đề nghị Bộ NN&PTNT đứng ra, tạo một chuỗi thu mua, tiêu thụ khép kín cho các địa phương, giúp tiêu thụ nhanh hơn…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lưu ý, sắp tới sẽ là mùa mưa nên các tỉnh, thành phố cần chú ý không để tình trạng thiếu hụt hàng hóa xảy ra. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho TPHCM. Bên cạnh đó, các Sở NN&PTNT tại các tỉnh, thành phố nên chú ý thực hiện xúc tiến thương mại điện tử, từ đó giải tỏa áp lực cung ứng.
Thứ trưởng nhấn mạnh những việc cần làm ngay của các tỉnh, thành phố phía nam để bảo đảm chuỗi cung ứng nông sản đó là: Thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm cung ứng cho địa bàn vừa tiếp tục hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh đặc biệt là TP Hồ Chí Minh cần rà soát lại, đảm bảo phòng dịch và báo cáo Tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, các tỉnh phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ và cả vật tư để sản xuất. Cùng với đó, các tỉnh nên phối hợp với Bộ Công Thương để củng cố, phát triển chuỗi cung ứng nông sản.
Mới đây, ngày 21/7 Bộ NN&PTNT có báo cáo số 4573 /BNN-VP gửi Thủ tướng Chính phủ, về việc đề xuất giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 Hà Nội với nội dung:
Thứ nhất, bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản; do hiện nay việc vận chuyển, sản xuất, cung ứng các loại hàng hóa nêu trên đang gặp nhiều khó khăn. Việc bổ sung danh mục này nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm trong thời gian trước mắt và ổn định lâu dài.
Thứ 2, bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các sơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16; đề xuất cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Thứ 3, cho phép tạm gia hạn các Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y,… thêm 03 tháng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn. Hiện nay, do áp dụng Chỉ thị 16 Cơ quan chức năng chưa thể tổ chức cấp lại hoặc gia hạn theo qui định nên sẽ có nhiều cơ sở ngưng hoạt động trong thời gian tới./.