Đầu tháng 9/2021, 20 nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống COVID-19 được giới thiệu trong “Cẩm nang phòng,chống dịch COVID-19” phiên bản đầu tiên tại địa chỉ covid19.mic.gov.vn. Người dân được khuyến cáo sử dụng thường xuyên từ 1 đến 2 app, để khai báo y tế và quét mã QR khi đi đến các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, việc có quá nhiều ứng dụng đã khiến người dân và cả những nơi yêu cầu khai báo y tế, quét mã QR bị rối.
Công nghệ thông tin hỗ trợ phòng chống dịch
Từ vùng dịch về, chị Nguyễn Mỹ Phương (ở Định Công, Hà Nội) phải cách ly tại nhà và được hướng dẫn sử dụng ứng dụng (app) VHD để khai báo y tế, thường xuyên bật tính năng định vị GPS trên điện thoại di động: "Không chỉ khai báo y tế, cập nhật tình trạng sức khoẻ hàng ngày, tôi còn sử dụng app VHD để nhận diện khuôn mặt. Bây giờ đi đâu tôi cũng dùng điện thoại để quét mã QR".
Trong đợt dịch này tại Hà Nội, có thời điểm chỉ trong vòng 3 ngày, nền tảng công nghệ truy vết lây nhiễm đã phát hiện ra hàng chục nghìn ca tiếp xúc gần với F0. Bằng cách này, nhiều địa phương cũng đã truy vết rất nhiều ca F1. Ông Đỗ Lập Hiển - thành viên thường trực Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia - đánh giá: "Công nghệ thực hiện hiện truy vết tiếp xúc gần bằng việc khai thác lịch sử tiếp xúc trên điện thoại có cài bluezone của ca nhiễm. Khi đã xác định được ca nhiễm dựa vào truy vết bằng công nghệ, thì chúng ta sẽ ra được danh sách số điện thoại đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm đó, để truy vết F1".
Theo bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) - khi các địa phương cùng kết nối dữ liệu tiêm chủng COVID-19 tại địa chỉ tiemchungcovid19.gov.vn thì mọi cá nhân đều có thể đăng ký tiêm, tra cứu kết quả tiêm chủng mà không phải khai báo lại từ đầu và cơ quan chức năng có thể giám sát các yếu tố dịch tễ: "Điều quan trọng nhất là sau khi tiêm xong, chúng ta vẫn có đầy đủ dữ liệu trên cổng quốc gia. Đồng thời dữ liệu trong công tác tiêm chủng này phải được thu thập và để phục vụ cho công tác chống dịch của thành phố trong thời gian sắp tới, rất quan trọng trong việc hoạch định các chính sách với công tác chống dịch".
Công an TPHCM và Sở Y tế cùng các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an hàng ngày cập nhật số lượng F0 vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, để quản lý và sớm phát hiện các ca F0 trốn cách ly, tự ý di chuyển trên đường. Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quản lý tập trung các thông tin về gần 100 triệu dân, đảm bảo các thông tin này được quản lý tập trung, được tạo thành cơ sở dữ liệu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”.
Để kho dữ liệu phòng chống dịch không thành kho rác
Hiện nay có rất nhiều dạng phần mềm, ứng dụng khác nhau liên quan đến khai báo y tế, quản lý dữ liệu xét nghiệm, tiêm chủng… Bluezone, NCOV, VHD, tokhaiyte.vn, rồi một loạt các app như sổ sức khỏe điện tử, suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Nhiều tỉnh, thành phố phát triển thêm phần mềm quản lý truy vết công nhân như Anti CoVID. Còn doanh nghiệp công nghệ phát triển các ứng dụng hỗ trợ khác liên quan đến phòng, chống COVID-19 như Zalo Connect, SOSmap.net… Các đơn vị xây dựng và phát triển ứng dụng khác nhau, nên không phải ứng dụng nào cũng được phổ biến, nhiều người sử dụng. Quá nhiều nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 khiến người sử dụng cảm thấy có sự chồng lấn, bởi vẫn khai báo các thông tin cơ bản như nhau, với trả lời “Có” hoặc “Không”.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, anh Dương Chính ở Hà Nội chia sẻ: "Hôm trước đi siêu thị mua đồ. Trước cửa có bảng quét QR, lấy zalo ra quét, bác bảo vệ nhất định không chịu, bắt phải quét từ Bluezone vì Phường yêu cầu thế. Hôm rồi đi tiêm chủng, lôi Bluezone ra quét QR thì y tá yêu cầu quét từ Zalo. Có lần đi công tác địa phương, lôi Bluezone ra khai thì được hướng dẫn phải khai từ Tờ khai y tế (tokhaiyte.vn). Sổ sức khỏe điện tử cài vào điện thoại bấy lâu mà chưa dùng lần nào".
Tương tự, anh Đặng Sơn Hà từng gặp khó khăn khi đến khám tại một bệnh viện: "Tôi đến Viện Huyết học Truyền máu Trung ương hiến máu nhưng được yêu cầu là nếu anh muốn hiến máu, thì anh phải cài Bluezone. Tại sao lại là Bluezone mà không phải là phần mềm khác, mặc dù lúc đấy tôi đã sử dụng app nCoV rồi?"
Ngay sau khi Bộ Công an yêu cầu kiểm soát việc di chuyển nội địa bằng cách khai báo trên suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, để lấy mã QR, rồi quét tại các chốt kiểm soát, đã có không ít người sử dụng không thể khai báo nhanh chóng tới gần 30 đề mục, dẫn đến việc ùn tắc tại các chốt kiểm soát. Đơn cử như ngày 14/8/2021, tại TPHCM đã xảy ra ùn tắc cục bộ khi người dân ùn ùn trở về quê tránh dịch, nhưng không được thông chốt bởi chưa khai báo trên điện thoại, hoặc phải dừng lại khai báo trên giấy. Ông Lê Văn Hùng ở TPHCM chia sẻ: "Tôi thấy không hiệu quả, ùn tắc, kẹt xe thêm nguy cơ dịch bệnh. Đi trên đường đâu biết người nào có bệnh, người nào không? Khai báo như thế mất rất nhiều thời gian, kẹt xe hết".
Một tài xế lái xe tải đường dài thì cho rằng cần học cách làm "1 cung đường 2 điểm đến" của Quảng Ninh, để giao thông nhanh chóng được khơi thông, thay vì dùng mã QR. Trên thực tế, từ 15 đến 28/8 vừa qua, công an TPHCM đã phải dừng kiểm soát mã QR tại các chốt nội đô, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đồng thời yêu cầu người dân chủ động khai báo từ trước.
Bị bắt buộc sử dụng mà không cảm thấy hiệu quả thì người dùng sẽ chỉ bật app trên điện thoại theo kiểu đối phó. Việc khai báo không chính xác, sử dụng nhiều số điện thoại khai báo sẽ khiến cho số lượng người phải truy vết tiếp xúc tăng lên, mất nhiều thời gian. Thiếu sự quản lý thống nhất, đặc biệt là chưa có hệ thống mã định danh cá nhân điện tử, sẽ gây ra sự lãng phí tài nguyên dữ liệu.Ông Nguyễn Thành Nam - Chánh Văn phòng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định: "Khi các app phát triển quá tràn lan, mà không đồng bộ trên một nền tảng dữ liệu thống nhất, thì có thể trở thành app rác, những dữ liệu bị phân mạch, chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng ngộ độc dữ liệu. Thế thì sau đợt dịch này, những app chống dịch được hình thành sẽ tạo nên 1 kho tài nguyên dữ liệu, hay là 1 kho rác? Chúng ta phải quy hoạch được các app trên một nền tảng thống nhất."
Kết nối dữ liệu: chìa khoá hỗ trợ chống dịch hiệu quả
Ông Nguyễn Kim Cương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC - cho rằng: "Ứng dụng công nghệ vào phòng chống COVID-19 đang thiếu quy hoạch tổng thể với sự phân công rõ ràng cơ quan nào được thu thập và chia sẻ thông tin đấy cho ai? Tôi nghĩ, sau khi nhận được khai báo y tế dù bằng giấy hay app thì đều phải đưa về cùng một cơ sở dữ liệu tập trung quốc gia - do Chính phủ chỉ định. Như vậy sẽ không cần phải khai báo lại nhiều lần và tránh tình trạng chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân tràn lan".
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Truyền thông số Việt Nam - gợi ý: "Về mặt chống dịch, có 2 ưu tiên lớn nhất. Một là các dữ liệu hồ sơ di chuyển, liên quan đến tiêm vắc-xin, luồng xanh di chuyển nội vùng và di chuyển liên vùng. Hai là dữ liệu để cho chuyện chống dịch. Trước mắt nên tập trung về một đầu mối, một nền tảng duy nhất, Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp cho một cơ quan. Về lâu dài, cần một trung tâm dữ liệu quốc gia, dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và phải thống nhất đầu mối".
Ngày 8/9/2021, Bộ Công an đã ra mắt ứng dụng VNEID. Ứng dụng này cho phép khai báo y tế toàn dân và khai báo di chuyển nội địa. Khi khai báo di chuyển nội địa, người dân sẽ điền vào các trường thông tin về điểm đi, điểm đến, các yếu tố dịch tễ... hoàn tất quá trình này người dân sẽ được cấp một mã QR để xuất trình với cán bộ công an tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. Đại uý Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an - cho biết: "Công dân sẽ chủ động kê khai. Thông tin của công dân sẽ có một mã QR Code và khi di chuyển qua các trạm, chốt thì công dân sẽ được quét mã QR Code để kiểm tra thông tin, có thể được kiểm soát đến mức phường, xã và thông tin bảo mật tuyệt đối".
Kết luận cuộc họp sáng 11/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19; kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. |