Kinh tế quý 1 tăng trưởng tích cực

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý 1 năm 2021 và 3,66% của quý 1 năm

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý 1 năm 2021 và 3,66% của quý 1 năm 2020. Song, con số này vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1 năm 2019.

 

Tăng trưởng kinh tế khả quan

 

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các Công điện 126, 252 và 290 đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương. Thông tin tích cực được đưa ra trong hai cuộc họp của Chính phủ và Thường trực Chính phủ ngày 4 và 5/4/2022 là tăng trưởng kinh tế phục hồi ở hầu hết các địa phương, một số địa phương tăng trưởng GRDP trên 10% như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Hải Phòng … Tăng trưởng có được cả ở phía cung (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) và cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu). Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dù sức ép rất lớn, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định trong khi xu thế thế giới là tăng lãi suất. Thu ngân sách đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi nhanh.

Tốc độ tăng trưởng của các nhóm ngành cơ bản

Vốn đầu tư toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9. Vốn FDI đạt 4,42 tỷ USD, mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,63 tỷ USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước. Quý 1 có gần 60.000 doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường. Kết quả điều tra cho thấy 82,3% doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%. Chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước dần phục hồi. Khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Trong quý I, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92% với các giải pháp tích cực, chủ động, linh hoạt về thuế, phí, giá…

Biểu đồ tăng trưởng nhóm ngành dịch vụ

Việc triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, 126, 116 đạt gần 79,2 nghìn tỷ đồng cho 48,6 triệu lượt người lao động và 742,5 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.

Về tình hình đầu tư công, đến ngày 30/3, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết đạt 90% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Đến nay, còn 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. Vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Giao thông vận tải cho biết, cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng hơn 1.900 km cao tốc, với nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong các năm 2025-2026.

Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, "chung tay phát triển hạ tầng", không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng", rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Các doanh nghiệp đang phục hồi tích cực

Ngành ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao

 

Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn khả quan. Đây là lý do chính giúp các ngân hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dù chịu áp lực tăng dự phòng rủi ro và cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm 2022, cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của DN sau đại dịch khá tích cực. Mục tiêu tăng tín dụng 2022 là 14%, tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%. Nếu so với mức tăng 2,16% của quý 1/2021 thì con số trên là tín hiệu khả quan. Tốc độ tăng tín dụng cao gấp 2,3 lần năm ngoái chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực, các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả.

Lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt mức cao

Đáng chú ý là quý 1/2022, lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đạt mức cao, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB cho biết, lãi quý I/2022 của ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24 - 25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau trích lập các quỹ của VIB hiện là 5.908 tỷ đồng. Đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra sáng 16/3 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng gần 35%. Còn Ngân hàng TMCP Quân đội MB lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Lãnh đạo MB cũng cho biết, đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng nới thêm trong thời gian tới.

Nguồn tin từ ngân hàng TMCP Thịnh vượng VPBank cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I năm nay có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và các khoản thu nhập bất thường. Dự báo năm 2022 VPBank rất có thể sẽ có được một bước tăng trưởng nhảy vọt về lợi nhuận. Trước đó, trong buổi trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư đầu năm, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã khẳng định sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mới về cả lợi nhuận, quy mô vốn chủ sở hữu và cả quy mô khách hàng trong năm nay.

 

Tích cực xử lý các dự án yếu kém để không lãng phí nguồn lực

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tránh lãng phí nguồn lực

 

Cùng với thúc đẩy đầu tư công và các giải pháp phục hồi kinh tế, Chính phủ cũng quan tâm tới việc xử lý các dự án yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo. Tại cuộc tọa đàm được Cổng thông tin Chính phủ tổ chức mới đây, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Trước hết, qua quan sát cho thấy, với khối lượng công việc rất nhiều trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực rất cao. Có những dự án yếu kém đã hồi sinh, tạo ra sản phẩm về mặt kinh tế. Nhưng lo nhất là dự án bị dừng (thiệt hại vốn, lỗ lũy kế…). "Tuy nhiên, với việc xử lý các dự án lần này, cá nhân tôi đánh giá cao 2 điểm, đó là xử lý tích cực và xử lý có kết quả", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh thêm rằng: Trong vấn đề này, phương pháp luận của Thủ tướng có vai trò rất quan trọng. Tức là phải xử lý dứt điểm. Đã nhận thấy vấn đề quan trọng thì phải làm dứt điểm và sâu sát, quyết liệt. Chính vì thế Thủ tướng đã cử ngay một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và đem lại hiệu quả cụ thể./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận