Đấu thầu vàng không như hàng hóa khác

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tổ chức đấu thầu vàng vào thứ Hai 22/4/2024, với 26 doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu thầu.

 

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tổ chức đấu thầu vàng vào thứ Hai 22/4/2024, với số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu thầu là gần 30 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đủ điều kiện là 15. Thế nhưng, buổi đấu thầu đầu tiên đã bị hủy do không đủ số doanh nghiệp đăng ký dự thầu.

Toàn cảnh buổi đấu thầu vàng (ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

          Doanh nghiệp không mặn mà

          Sáng ngày 23/4/2024, phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm dừng hoạt động đã diễn ra, nhưng kết quả cũng không như kỳ vọng của những người quan tâm đến thị trường khi chỉ 2 đơn vị bỏ thầu với khối lượng trúng thầu là 3.400 lượng. Trong khi đó, số lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn đấu thầu là 16.800 lượng vàng miếng SJC.

          Theo thông tin từ NHNN, sáng 23/4 đã có 11 đơn vị tham gia đấu thầu, gồm 7 ngân hàng là VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý. Có 2 đơn vị bỏ thầu với khối lượng trúng là 3.400 lượng, trong đó có SJC, tương đương 20% số vàng chào thầu của NHNN là 16.800 lượng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu, thấp nhất 81,32 triệu đồng.

          NHNN quy định mỗi đơn vị được phép đặt thầu với khối lượng tối thiểu 1.400 lượng, tối đa 2.000 lượng với giá sàn bỏ thầu là 81,3 triệu đồng/lượng. Trước đó, NHNN cho biết, có 26 đơn vị gồm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có nhu cầu tham gia đấu thầu nhưng chỉ có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia.

          Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trúng thầu của các doanh nghiệp không chỉ để phục vụ bán trực tiếp tại ngân hàng hoặc doanh nghiệp, mà còn để bán cho các đơn vị khác  theo hình thức "bán sỉ" với biên lợi nhuận thấp hơn khi giao dịch nhỏ lẻ. Ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng bối cảnh hiện tại khác với bối cảnh của 11 năm trước, khi các ngân hàng được phép huy động tiết kiệm bằng vàng và cần có lượng vàng vật chất để thanh toán trở lại cho người dân đáo hạn tiết kiệm. Còn hiện tại, nhu cầu mua vàng của các tổ chức tín dụng sẽ không cao, do hình thức huy động tiết kiệm bằng vàng không còn nữa nên chủ yếu chỉ tập trung ở một số ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng.

          Nhắc lại 76 phiên đấu thầu vàng của năm 2013 khi NHNN đặt mục tiêu bán ra 1.900.000 lượng (khoảng 70 tấn vàng) nhưng bán được 1.800.000 lượng, Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả, cho rằng: việc một vài phiên đấu thầu đầu tiên giao dịch chậm, lượng vàng trúng thầu thấp cũng không phải là mới mẻ, 11 năm trước cũng như vậy. "Về mục tiêu, đấu thầu vàng lần này và đấu thầu vàng của 11 năm trước cùng hướng đến việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh 2 giai đoạn này lại hoàn toàn khác nhau. Hiện tại, giá vàng thế giới đang có nhiều bất ổn, khó dự đoán nên doanh nghiệp cũng dè dặt hơn rất nhiều. Vừa mới hôm trước dự báo giá vàng có thể lên đến 2.600 USD/ounce nhưng thực tế chỉ lên đến 2.400 USD đã quay đầu, nên doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ khi nhập vàng, dù là qua con đường đấu thầu hay nhập khẩu, nếu không sẽ dễ thua lỗ" - Tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích.

          Còn theo đại diện một số doanh nghiệp, giá đấu là 81,3 triệu đồng/lượng thì cao so với giá thế giới nên khó để họ có thể tham gia vì không nhìn thấy lợi nhuận khi mua vàng thông qua hình thức đấu thầu. Trên thực tế, cuối chiều cùng ngày, giá vàng miếng mua vào tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn là 81 triệu đồng/lượng, bán ra 83,3 triệu đồng lượng, trong khi giá vàng thế giới là khoảng 2.300 USD/ounce. Nếu tính theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank là 25.488 đồng/USD thì giá vàng thế giới quy đổi thời điểm 17h15 ngày 23/4/2024 là 70,6 triệu đồng/lượng.

Đấu thầu vàng không phải là giải pháp duy nhất ổn định thị trường

          Đấu thầu là giải pháp?

          NHNN xác định đấu thầu vàng là giải pháp quan trọng nhất hiện nay nhằm tăng cung, khi chưa có nguồn cung từ bên ngoài vào thị trường. Liệu đây có phải là giải pháp duy nhất?

          Trên thực tế, tăng cung bằng cách đưa lượng vàng dự trữ ra để đấu thầu chưa phải là giải pháp hữu hiệu nhất, nhất là trong bối cảnh giá vàng thế giới đang ở mức cao như hiện nay. Lượng vàng đang có trong nước đã được mua ở thời gian trước đó với mức giá thấp, nay mang ra bán với giá cao rồi mua lại với giá cao hơn thì đó là bài toán ai cũng có thể nhìn thấy lợi nhuận ra sao. Thêm vào đó, rõ ràng giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá thế giới hiện nay là do tình trạng độc quyền khiến cho người mua vàng chỉ có một lựa chọn, và đương nhiên khi cầu tăng thì giá phải tăng theo. Đấu thầu vàng với mục tiêu giảm độ chênh so với giá thế giới nhưng lại đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn giá thế giới quy đổi hàng chục triệu đồng/lượng tức là đã mặc định công nhận mức giá bất hợp lý kia, vậy thì liệu còn có tác dụng trong giảm độ chênh giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới?

          Về lâu dài vẫn là sửa đổi Nghị định 24/2012, đặc biệt là hai điều kiện độc quyền Nhà nước đối với kinh doanh vàng miếng và nhập khẩu vàng. Khi nào còn duy trì tình trạng độc quyền Nhà nước đối với nhập khẩu vàng và kinh doanh vàng miếng, thì việc thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới vẫn là bất khả thi. Cần lưu ý, trước khi thực hiện Nghị định 24/2012, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ là 3-4 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 10% giá trị, nhưng hiện nay có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng, tương đương 25% giá trị.

          Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng: Chính phủ nên xem xét vai trò của NHNN trong nhập khẩu vàng và không nên để thương hiệu SJC là thương hiệu quốc gia và độc quyền vàng miếng nữa. Các thương hiệu vàng trên thị trường cần được cạnh tranh công bằng với nhau, thị trường quân bình hơn sẽ không tạo sóng lớn như hiện nay”

          Thực tế cho thấy, việc NHNN chỉ cấp phép nhập khẩu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, khiến buôn lậu vàng gia tăng.

Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: "Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao; kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng".

          Một chuyên gia kinh tế xin giấu tên cho rằng, trong thời điểm này, cách thức quản lý hiệu quả thị trường vàng chính là đưa giá vàng về sát với giá thế giới, nhưng đánh thuế lên hoạt động mua bán, người dân khi mua vàng phải chịu một khoản thuế nhất định và khi bán vàng cũng phải chịu một khoản thuế tương tự. Như vậy, vừa đảm bảo vận hành theo giá thị trường, vừa tôn trọng quyền cất giữ vàng của người dân, vừa tránh được tình trạng đầu cơ làm giá, mà Nhà nước lại không thất thu thuế.

          Tỷ giá hối đoái tăng mạnh càng khiến giá vàng trong nước tăng theo và tăng vượt đà tăng của giá vàng thế giới. Tất cả những yếu tố đó đang khiến giá trị của đồng tiền Việt Nam giảm kéo theo thu nhập thực tế của người dân, nhất là người làm công ăn lương giảm mạnh. Vào lúc này, không nên níu kéo cách thức quản lý thị trường vàng như hiện nay./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận