Cho đến thời điểm này Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 đã bước vào những chặng cuối. Một kỳ Liên hoan thành công sắp khép lại với nhiều tác phẩm dự thi xuất sắc, các hoạt động bên lề sôi nổi, ấn tượng. Sẽ có những cái tên được vinh danh. Để có được thành công ấy, đằng sau sự xuất hiện rạng rỡ của những cái tên trên sóng là rất nhiều cống hiến thầm lặng.
Podcast - điểm nhấn hoà chung nhịp đập đổi mới
Là người tham gia rất nhiều kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc với vai trò khác nhau, từ lúc còn là phóng viên dự thi, đạt giải khuyến khích đến khi dành được giải A, dẫn đầu đoàn đi dự liên hoan, rồi trở thành người tổ chức cho 2 kỳ liên hoan liên tiếp và kỳ liên hoan lần này nên với Tiến sĩ Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập - Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hoan, mỗi kỳ Liên hoan là một kỷ niệm khó quên, một cung bậc cảm xúc khó diễn tả hết bằng lời. Về với Liên hoan Phát thanh toàn quốc cảm giác gần gũi, ấm áp, giống như về với ngôi nhà thân thương. Nơi ấy, những người làm báo phát thanh được chia sẻ, giao lưu, học hỏi, thi thố về cách thức sản xuất chương trình phát thanh để phù hợp và bắt nhịp với công chúng ngày càng hiện đại trong kỷ nguyên số.
Ông Đồng Mạnh Hùng cho biết: “Với vai trò là đơn vị tổ chức, Tổng Thư ký Liên hoan, tôi thấy mình phải có trách nhiệm nhóm thêm ngọn lửa ấy để nó rực sáng hơn, nồng ấm hơn. Mỗi kỳ Liên hoan tôi cố gắng làm sao có được sự đổi mới, tạo sự hứng khởi, động lực, để những người làm phát thanh phát huy sứ mệnh của mình với công chúng”.
Công tác chuẩn bị cho Liên hoan phát thanh vô cùng quan trọng quyết định thành công của Liên hoan, và được Ban Thư ký thực hiện bài bản, kỹ lưỡng chi tiết trong từng khâu, từ việc đón tiếp các đại biểu cho đến tổ chức các hoạt động chuyên môn, cũng như nhiều sự kiện bên lề khác.
Tổng thư ký Liên hoan cho biết, kỳ Liên hoan Phát thanh lần thứ XVI năm 2024, Ban Thư ký biên tập có 10 đầu việc phải triển khai, trong đó có nhiều điểm mới. Quan trọng nhất là kịch bản cho Lễ khai mạc và Lễ bế mạc năm nay có những hình thức sáng tạo riêng để Liên hoan Phát thanh tạo sự hứng thú, bất ngờ cho công chúng và người tham dự.
Đặc biệt, báo chí truyền thông đã và đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ của Podcast trong những năm gần đây. Có thể nói Podcast đã trở thành biểu tượng sức mạnh của phát thanh hiện đại khi nó hoạt động hết sức hiệu quả và trở nên quá phổ biến với công chúng ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như đạt được những thành tựu kinh tế đáng ngưỡng mộ. Vì thế, Liên hoan năm nay hạng mục Podcast được đưa vào với kỳ vọng đưa phát thanh trong nước bắt nhịp với xu hướng làm phát thanh trên thế giới. Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong phương thức sản xuất và truyền tải, hi vọng Podcast sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho công chúng.
Liên hoan Phát thanh lần này có nhiều hoạt động bên lề hấp hẫn. Đó là lần đầu tiên Giải chạy “Vì Làn sóng khỏe” được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 nhà báo phát thanh. Chương trình “Giao lưu những người yêu nghệ thuật Chèo toàn quốc lần thứ IX năm 2024” với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên chèo không chuyên của cả nước là điểm nhấn, tạo không khí ngày hội cho Liên hoan. Các nghệ sĩ tham gia trong chương trình khai mạc, bế mạc cũng được bàn bạc lựa chọn kỹ lưỡng. Nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam và nghệ sĩ của Thanh Hóa được lựa chọn để vừa tạo sự gần gũi với công chúng, vừa thể hiện được bản sắc văn hoá địa phương nơi diễn ra Liên hoan cũng như tài năng của hai đơn vị được phô diễn.
Liên hoan Phát thanh lần thứ XVI năm 2024 cũng là dịp trao đổi nghiệp vụ của các nhà báo làm phát thanh, với nhiều hội thảo, trong đó có hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam”. Về cơ cấu giải thưởng, Ban tổ chức sẽ trao khoảng 250 giải thưởng, trong đó có 28 giải Vàng, 58 giải Bạc, 71 giải Đồng, gần 100 giải Khuyến khích, và các giải khác.
Tiến sĩ Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Tinh thần chính của Liên hoan Phát thanh toàn quốc là tìm ra được những tác phẩm xứng đáng để trao giải. Vì vậy việc chấm giải được quan tâm nhất. Từ khâu mời Ban giám khảo cho đến khâu lên điểm được chúng tôi ưu tiên nhất, thực hiện cẩn thận nhất để làm sao tạo ra sự công bằng, tạo ra sự kích thích và truyền cảm hứng cho những người đoạt giải để họ tiếp tục cống hiến tài năng, công sức cho ngành phát thanh”.
Đội ngũ kỹ thuật tinh nhuệ và “lăn xả”
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 có nhiều điểm mới, đáng chú ý là số lượng tác phẩm dự thi tăng cao, nhất là các chương trình phát thanh trực tiếp tăng mạnh. Các kỳ tổ chức trước đây thường có 28 - 30 đơn vị tham gia thể loại này, nhưng năm nay có 40 đài cùng tham gia. Năm nay, Ban tổ chức cũng đưa thêm 2 loại giải khác là Người dẫn chương trình xuất sắc và Ứng dụng trên nền tảng số.
Các chương trình phát thanh trực tiếp dự thi phát trực tiếp đồng thời vừa trên sóng phát thanh vừa trên ứng dụng nền tảng kỹ thuật số, livestream trên fanpage và các nền tảng khác là Youtube hay Tik Tok... Cùng với đó, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình trực tiếp như Liên hoan chèo phát trực tiếp trên VOV3. Đặc biệt, VOV1 có chương trình trực tiếp trước giờ bế mạc, nội dung là tổng kết Liên hoan ngay tại Thanh Hoá. Tất cả những điều này đặt ra thách thức cho đội ngũ kỹ thuật đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Để đảm bảo nhiệm vụ sản xuất phát sóng các chương trình phát thanh trực tiếp, trước 1 tháng khai mạc Liên hoan, Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình, Đài Tiếng nói Việt Nam, đã thực hiện khảo sát tất cả các điểm tác nghiệp, các thiết bị kỹ thuật của Đài PT - TH Thanh Hóa để có phương án kỹ thuật phù hợp. Đồng thời, thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia và Đề án chuyển đổi số của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, đáp ứng yêu cầu Liên hoan Phát thanh lần này, Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình đã có nhiều đổi mới về mặt công nghệ.
Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình, cho biết: “Chúng tôi, xác định đây là một ngày hội nghề. Các kỳ Liên hoan trước nhiều đài địa phương phát triển rất mạnh trên nền tảng số, lần này còn ứng dụng mạnh mẽ hơn. Vì thế, nhân dịp này chúng tôi mang đến những cái mới để người làm phát thanh cả nước nhìn thấy ngành phát thanh đang phát triển tích cực và đang nắm thị phần truyền thông”.
Xác định khâu hậu cần quyết định thành công, Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình đã cấp tập chuẩn bị máy móc kỹ thuật trong gần 3 tháng. Các kỹ thuật viên là những người đến Thanh Hoá sớm nhất, từ mùng 4/7, và họ cũng là những người về sau cùng - 14/7 mới ra về. Tại Liên hoan, đội ngũ kỹ thuật làm cả ngày lẫn đêm không có thời gian nghỉ trưa, thậm chí không có nghỉ tối.
Bà Dương Thị Minh Hằng chia sẻ: “Chúng tôi đã quen với việc “đi trước về sau”. Vất vả nhưng vinh dự tự hào. Tự hào vì đây là ngày hội nghề. Ekip được chọn để tham gia liên hoan là đội ngũ tinh nhuệ, đặc biệt là tinh thần lăn xả. Với bề dày kinh nghiệm chúng tôi tự tin không tình huống nào là không xử lý được, không có tình huống nào làm khó được chúng tôi. Niềm vui lớn nhất của đội ngũ kỹ thuật là chương trình suôn sẻ cho đến lúc chào kết thúc”.
Cầu nối thông tin chính xác, hấp dẫn
Đồng hành cùng Ban Tổ chức và Ban Giám khảo Liên hoan, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Truyền thông (R&D) thực hiện các phần việc như cập nhật thông tin Liên hoan, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chấm thi và tổ chức Hội thảo cho liên hoan.
R&D đã xây dựng fanpge Liên hoan Phát thanh toàn quốc từ nhiều kỳ trước. Đây được coi là kho dữ liệu của các kỳ Liên hoan Phát thanh. Đồng thời, trang chính là cầu nối thông tin giữa Ban tổ chức, nhà tài trợ, những người làm phát thanh và công chúng. Tất cả mọi hoạt động liên quan đến Liên hoan đều được cập nhật trên trang. Đây là kênh thông tin đầy đủ, chi tiết và kịp thời nhất để các đài địa phương cập nhật. Fanpage cũng đồng bộ hoá các chương trình được đăng phát tại Liên hoan. Đồng thời, các nhà tài trợ cho Liên hoan có thể cập nhật thông tin quảng bá trên fanpage.
Ông Dương Hồng Hải, Giám đốc R&D chia sẻ: “Chúng tôi liên tục nâng cấp đổi mới fanpage cả về hình thức, nội dung cũng như kỹ thuật để phù hợp với sự phát triển công nghệ số nhằm đạt được tương tác tốt nhất có thể. Hiện tại, fanpage Liên hoan Phát thanh toàn quốc có số người dùng hơn 3500 người.
Để công tác chấm thi đạt hiệu quả cao, giảm bớt các cuộc họp, tiết kiệm thời gian cho thành viên Ban giám khảo cũng như các tác giả, nhóm tác giả dự thi, chúng tôi đã xây dựng phần mềm chấm điểm online. Giám khảo có thể chủ động chấm vào bất kỳ lúc nào. Đồng thời, giám khảo sẽ có tư duy độc lập hơn khi chấm điểm. Điểm cập nhật trên hệ thống tạo ra sự công khai, minh bạch”.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, người làm báo phải biết sử dụng trang thiết bị công nghệ, trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024, R&D đã phối hợp với Ban hợp tác quốc tế tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số Phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam” tạo cơ hội để những người làm phát thanh giao lưu, học hỏi, cập nhật thông tin mới trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cũng như đăng phát chương trình lên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng số. Đặc biệt, tại hội thảo này, những con robot của Đại học Bách khoa sẽ được giới thiệu, trình diễn các tính năng./.