Trước khi áp dụng khoản 3, Điều 352, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để làm căn cứ kháng nghị tái thẩm thì cần có điều kiện bắt buộc, đó là: Phải có bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định thẩm phán, Hội đồng xét xử phạm tội, ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý nhận định, kết luận về vụ án trái pháp luật. Vậy Quyết định kháng nghị tái thẩm số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM, ngày 12/8/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có thỏa mãn các quy định của pháp luật?
Trong Quyết định kháng nghị tái thẩm số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM, ngày 12/8/2021, tại phần nội dung xét thấy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) cho rằng: Bản án 253/2011/KDTM-PT, ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội (nay là TANDCC tại Hà Nội); Bản án kinh doanh thương mại số 12, ngày 27, 28/01/2011 của TAND TP Hà Nội nhận định và kết luận như trên là trái pháp luật được quy định tại khoản 3, Điều 352, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
VKSNDTC cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử tái thẩm hủy bản án phúc thẩm số 253 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội (nay là TANDCC tại Hà Nội); hủy bản án sơ thẩm số 12, ngày 27, 28/01/2011 của TAND TP Hà Nội, giao hồ sơ vụ án về cho TAND TP Hà Nội xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm…
Theo quy định của pháp luật, tái thẩm là thủ tục đặc biệt được tiến hành theo trình tự cực kỳ chặt chẽ để xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không thể biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, khoản 3, Điều 352, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.
Trong khi khoản 3, Điều 352 quy định rất rõ căn cứ để kháng nghị tái thẩm là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật thì nội dung Quyết định kháng nghị tái thẩm số 09 của VKSNDTC dù viện dẫn khoản 3, Điều 352 lại không có từ “cố ý”, khiến việc căn cứ để kháng nghị tái thẩm không rõ ràng, thiếu thuyết phục.
Nội dung quy định tại khoản 3, Điều 352 được hiểu rằng, thẩm phán biết rõ việc kết luận của mình là không đúng pháp luật nhưng vẫn cứ kết luận. Trong vụ án dân sự, dù hồ sơ đã đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, các tình tiết trong vụ án và pháp luật rõ ràng, nhưng thẩm phán lại xử không đúng pháp luật. Bản chất, nội dung pháp luật quy định là vậy thì hành vi “cố ý…” cần phải được chỉ rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Quyết định 09 của VKSNDTC lại không chỉ ra được hành vi “cố ý…” như thế nào.
Lưu ý rằng, việc căn cứ khoản 3, Điều 352, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để làm căn cứ tái thẩm thì trước khi áp dụng điều luật này, cần có điều kiện bắt buộc đó là: Phải có bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người đã tiến hành tố tụng (thẩm phán, hội đồng xét xử) đó phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý nhận định, kết luận về vụ án trái pháp luật.
Tuy nhiên, đối chiếu theo khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 18/9/2012 của TANDTC thì thẩm phán xét xử vụ án này không bị bản án, quyết định hình sự của Tòa án xác định là phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, nên không có cơ sở để xác định thẩm phán “cố ý…” kết luận trái pháp luật trong bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên.
Đến giờ, đại diện Công ty cổ phần quan hệ quốc tế - đầu tư sản xuất (CIRI) vẫn không giấu nổi bức xúc và cho rằng những căn cứ mà VKSNDTC viện dẫn để kháng nghị tái thẩm bản án phúc thẩm 253 là thiếu thuyết phục, không có cơ sở. Đại diện CIRI cho hay, không hiểu vì lý do gì, một vụ án tranh chấp đã qua xét xử 2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm, 2 lần giám đốc thẩm và TANDTC đã 1 lần bác kháng nghị của VKSNDTC, nhưng cho đến nay, sau gần 10 năm bản án 253 của Tòa phúc thẩm - TANDTC có hiệu lực và đã hoàn thành việc thi hành án, đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm thì VKSNDTC lại bất ngờ quyết định kháng nghị tái thẩm.
Cần phải nhắc lại rằng, ngày 18/12/2009, Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 14, tại phần xét thấy đã phân tích rõ: “… Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 458, ngày 11/10/2006 giữa CIRI và Vạn Niên không phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà chỉ là giao dịch dân sự có điều kiện, nhưng có nội dung trái pháp luật vì đã vi phạm Điều 62, Luật Đất đai quy định về điều kiện để đất tham gia thị trường bất động sản; điểm e khoản 2, Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản; điểm a, khoản 8, Điều 2, Nghị định 17 năm 2006 của Chính phủ quy định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán…, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước nên vô hiệu ngay từ khi giao kết…”.
Bên cạnh việc bác kháng nghị số 18/QĐ-KNGĐT-V12, ngày 16/6/2009 của VKSNDTC, Quyết định giám đốc thẩm số 14, ngày 18/12/2009 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nhận định: Tòa án các cấp phải xem xét giải quyết đối với hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự mới bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Cũng từ đây, tòa án nhân dân các cấp đã xét xử vụ việc theo đúng quy định pháp luật, ban hành bản án sơ thẩm số 12 và bản án phúc thẩm số 253.
Việc tái thẩm, xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án là việc làm bình thường. Trong vụ việc tranh chấp giữa CIRI và Vạn Niên thì phải gần 10 năm sau khi bản án phúc thẩm 253 có hiệu lực, các bên tiến hành thi hành án thì VKSNDTC mới phát hiện “tình tiết mới”, làm căn cứ để ra quyết định kháng nghị tái thẩm. Đáng tiếc, hành vi “cố ý…”, căn cứ viện dẫn khoản 3, Điều 352 để kháng nghị tái thẩm bản án phúc thẩm là không thuyết phục, không có căn cứ./.