Kỳ cuối: Khi nào hết phát triển du lịch tự phát?
Để du lịch phát triển bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đa dạng sinh học…, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang phải quản lý chặt chẽ các dự án phát triển du lịch.
Xây khu nghỉ dưỡng trên dải lụa cao nguyên?
Nhắc tới Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều người yêu mến vùng đất địa đầu Tổ quốc vẫn chưa nguôi tiếc nuối trước sự “ra đi” của khu phố cổ Đồng Văn trầm mặc, dung dị giữa bốn bề đá núi; chưa thôi luyến nhớ phiên chợ ngày chủ nhật đa dạng sắc màu văn hóa, từng làm rộn ràng biết bao trái tim du khách khi đến thăm phố cổ. Để rồi, mỗi khi có dịp quay lại đều thốt lên “Thương nhớ Đồng Văn”, bởi phố cổ xưa đã bị khách sạn, nhà hàng “bao vây”, biến đổi thành phố thị Đồng Văn hiện đại. Những nét cổ kính, bình yên của khu phố cổ Đồng Văn bị biến đổi bắt nguồn từ việc đầu tư phát triển du lịch tự phát của người dân, đầu tư sai quy hoạch…
Bài học phố cổ Đồng Văn vẫn còn đó, vậy mà hôm nay, đến Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách vẫn phải ngỡ ngàng trước việc người dân đốt phá, đốn hạ rừng thông Yên Minh, tại kilomet số 7, quốc lộ 4C, đoạn Yên Minh - Quản Bạ, thuộc địa bàn xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh để trồng hoa tam giác mạch, bán vé cho du khách tham quan. Ngạc nhiên hơn là sự xuất hiện những dự án du lịch tự phát của người dân mà Báo TNVN đã phản ánh trong loạt bài viết “Chặt rừng thông trồng hoa tam giác mạch” (đăng trên số báo 51, ra ngày 20/12/2018 và số báo 52, ra ngày 27/12/2018). Ngày 24/12/2018, trao đổi với phóng viên Báo TNVN, ông Nguyễn Hữu Tuyển, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Minh cho biết ngắn gọn: “Huyện Yên Minh sẽ kiên quyết xử lý sai phạm và khắc phục hậu quả”.
Qua đèo Yên Minh, đến trạm dừng nghỉ cách vị trí rừng thông bị đốn hạ chừng 300m, du khách còn ngỡ ngàng hơn nữa khi thấy xuất hiện 1 tấm bảng lớn với nội dung: “Dự án thu hút đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng tại trạm dừng chân Lao Và Chải, huyện Yên Minh”. Một bản thiết kế quy hoạch được trưng bày với những hạng mục khu nghỉ dưỡng cao cấp có diện tích hàng chục héc-ta, công trình khách sạn, bể bơi hoành tráng…, hoàn toàn trái ngược với vẻ đẹp hoang dã của cung đèo nhỏ xíu, chênh vênh như dải lụa vắt lên cao nguyên đá tuyệt đẹp này.
Nhìn những dự án du lịch lớn, nhỏ “gặm nhấm” cảnh quan xanh mát của rừng thông Yên Minh, một hướng dẫn viên du lịch bản địa ngao ngán thốt lên: Rồi đây rừng thông Yên Minh sẽ ra sao, cung đường đèo Prenn của Yên Minh - Đà Lạt của Cao nguyên đá Đồng Văn rồi sẽ đi về đâu?
Cần thực hiện nghiêm quy hoạch
Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2067/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại, khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch đặc biệt với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại sẽ không tránh khỏi những tác động của sự “giao thoa văn hóa”, sự can thiệp từ các công trình xây dựng đến môi trường, cảnh quan... Bởi thực tế ở nhiều địa phương, nóng vội phát triển du lịch đã phá vỡ quy hoạch, làm mất dần bản sắc văn hóa, không tính đến sinh kế cho người dân, dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và làm mất đi sự hấp dẫn riêng có của cảnh quan điểm đến... Những sự việc đã và đang diễn ra tại phố cổ Đồng Văn, rừng thông Yên Minh, xã Lao Và Chải cho thấy, sự lo ngại của những nhà nghiên cứu là hoàn toàn có cơ sở.
Quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt ngày 7/4/2017 tại quyết định số 438/QĐ-TTg quy định: Công viên địa sinh học gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Du Già, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn, khu vực sinh thái thuộc các xã Na Khê, Lao Và Chải, Tùng Vài. Hạt nhân là Công viên đa dạng sinh học Du Già, tại khu trung tâm của khu bảo tồn. Không xây dựng mới tại vùng lõi. Hạn chế xây dựng mới tại vùng đệm, chỉ ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học, quốc phòng an ninh và hạ tầng xã hội thiết yếu.
Như vậy theo quy hoạch, khu vực sinh thái của xã Lao Và Chải thuộc khu vực Công viên địa sinh học. Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng phải tuân thủ theo quy định pháp luật, được các cơ quan chuyên môn thẩm định. Vậy nhưng không hiểu vì sao tấm bảng mời đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng với thiết kế hoành tráng vẫn mọc lên tại đây? Phải chăng chính quyền huyện Yên Minh không nắm được quy hoạch? Bởi theo bà Phan Thị Minh, Chủ tịch UBND huyện, thì dự án thu hút đầu tư này do UBND huyện chủ trì.
Lạ thay, khẳng định với phóng viên Báo TNVN, Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Ban quản lý) cho hay: Đến thời điểm hiện tại, ông Mạnh chưa hề nắm được thông tin gì về dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại trạm dừng nghỉ trên đèo Yên Minh. Ban quản lý cũng chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào liên quan đến dự án nói trên. Hiện nay, do chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nên việc quản lý phải hoàn toàn tuân theo bản quy hoạch xây dựng tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt.
Du lịch Hà Giang xuất phát sau các địa phương trong cả nước, đây là cơ hội để tỉnh rút kinh nghiệm, đi tắt đón đầu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên, di sản địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của Cao nguyên đá Đồng Văn; thu hút đầu tư theo đúng quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng đã được Thủ tướng phê duyệt, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.
Từ câu chuyện tại phố cổ Đồng Văn đến sự việc rừng thông Yên Minh bị chặt phá đang gióng lên hồi chuông cảnh báo các cấp chính quyền của tỉnh Hà Giang trong việc bảo tồn di sản, phát triển du lịch. Chỉ khi nào tỉnh Hà Giang nghiêm túc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn; Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; quản lý chặt chẽ các dự án phát triển du lịch thì lúc đó mới phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đa dạng sinh học… trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
“Huyện sẽ kiên quyết xử lý vi phạm của hai chủ rừng Phan Duy Thanh và Nguyễn Văn Thắng, tại km7, QL 4C, thuộc xã Lao Và Chải. Cụ thể, ngày 2/1/2019, huyện đã thành lập đoàn thanh tra tới hiện trường lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng các hoạt động xây dựng, khai thác và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu các chủ rừng tự tháo dỡ các công trình vi phạm trong tháng 1/2019. Nếu các chủ rừng không tự tháo dỡ công trình vi phạm thì huyện sẽ tiến hành các thủ tục cưỡng chế theo quy định của pháp luật”, Ông Nguyễn Hữu Tuyển, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Yên Minh. |