Điện Biên phát triển du lịch bền vững

Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 với gần 170 chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc diễn ra xuyên suốt trong năm 2024

 

Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và Lễ hội hoa ban năm 2024 đã diễn ra vào tối 16/3 tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với chủ đề Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận.

Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 với gần 170 chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc diễn ra xuyên suốt trong năm 2024 sẽ là cơ hội để tỉnh Điện Biên giới thiệu hình ảnh, lòng mến khách, quảng bá du lịch tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Nhiều tiềm năng chưa được khai phá

Là địa phương địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước trên nhiều lĩnh vực. Điện Biên có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; lịch sử hào hùng; văn hóa đặc sắc; khí hậu trong lành; là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Các chuyên gia du lịch nhận định, đây là điểm đến có nhiều tiềm năng, thế mạnh, có sức cạnh tranh vươn lên mạnh mẽ, bứt phá trong phát triển với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.

Điện Biên còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.

Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng để lại cho Điện Biên một quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ với các di tích nổi bật như đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, hầm De Castries, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ,... Những di tích lịch sử này hằng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đây chính là điểm cốt lõi để Điện Biên quan tâm giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử và thu hút khách du lịch. Cùng với đó các công trình: đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đền Hoàng Công Chất, các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao... là những tài nguyên giá trị để Điện Biên khai thác tốt mảng du lịch lịch sử - tâm linh.

Về du lịch văn hóa, Điện Biên có 33 di tích văn hóa vật thể được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh). Bên cạnh đó, Điện Biên cũng có 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó 2 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (di sản nghệ thuật xòe Thái và di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam). Đây là tiềm năng, lợi thế để du lịch “cất cánh”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Điện Biên.

Điện Biên có 19 dân tộc anh em, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn về phong tục, tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển, trở thành nét văn hóa đặc trưng như Lễ hội Hoa ban, Lễ hội thành Bản Phủ... Điện Biên cũng nổi tiếng với các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ Thủy điện Sơn La, đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc; cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải - ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc...

Một góc bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ

Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, nhưng du lịch Điện Biên những năm qua vướng nhiều “điểm nghẽn” khiến tiềm năng du lịch chưa được khai thác đúng giá trị và lợi thế, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát huy mạnh mẽ. Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 cũng là kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên, là cơ hội để Điện Biên tháo gỡ “điểm nghẽn” bứt phá vươn lên.

Đề xuất nhiều giải pháp

Để đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng Điện Biên cũng như những nét văn hóa đơn sơ, mộc mạc, giản dị trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, đưa du lịch Điện Biên thực sự cất cánh, ngay sau ngày khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, sáng 17/3, tại TP. Điện Biên Phủ, Bộ VH-TT&DL; Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”.

Hội thảo có gần 90 bài tham luận có chất lượng của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia từ các cơ quan, ban, ngành, các công ty, đơn vị lữ hành ở Trung ương và địa phương cùng các ý kiến thảo luận, trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đã làm sáng rõ hơn những nội dung chính: Thứ nhất, khẳng định và làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch bền vững của Việt Nam và tỉnh Điện Biên, trong đó nhấn mạnh mục đích chính của phát triển du lịch bền vững. Thứ hai, phân tích, đánh giá sát, đúng thực trạng phát triển du lịch; tiềm năng, các điều kiện phát triển du lịch; các yếu tố tác động; những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên. Thứ ba, thảo luận, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Điện Biên nhanh, bền vững từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Du khách tham quan Đồi A1

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, tuy Điện Biên còn nghèo, nhưng tiềm ẩn nhiều tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, nếu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì điều quan trọng nhất là phải phát hiện, khơi dậy và phát triển mạnh mẽ những tiềm năng còn tiềm ẩn. Để làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng, Điện Biên cần quan tâm tập trung thực hiện tốt một số vấn đề: Một là, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn kết với hệ sinh thái du lịch cộng đồng nhằm khai thác giá trị hấp dẫn của đời sống lao động đầy sắc màu văn hóa. Hai là, chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái, du lịch khám phá, trải nghiệm. Phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương. Ba là, cần nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá hiệu quả du lịch Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung ra thế giới, tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, các hệ sinh thái và các di sản. Bốn là, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, tạo thành chuỗi điểm đến, trong đó Điện Biên Phủ phải là động lực, thu hút du khách đến với các điểm đến trên tuyến và ngược lại.  Năm là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô khẳng định: Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2024, là hội thảo có tính chuyên môn cao và mang tính định hướng về phát triển du lịch cho tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới./.

Chương trình Năm Du lịch quốc gia lần thức nhất được tổ chức tại TP.Điện Biên Phủ năm 2004. Trải qua 20 năm sau 18 lần tổ chức, Chương trình Năm Du lịch quốc gia lần thứ 19 - 2024 trở lại với tỉnh Điện Biên góp phần quan trọng trong thúc đẩy du lịch, kết nối vùng của địa phương nơi đăng cai tổ chức với các trung tâm du lịch trong cả nước, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc, với con người thân thiện, mến khách.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận