Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI (Haniff VI) đã chính thức khép lại, nhiều giải thưởng danh giá được trao cho những đạo diễn, diễn viên và tác phẩm điện ảnh xuất sắc.
Nhiều phim hay
Ở Liên hoan năm nay, BTC tiếp tục tìm kiếm chủ nhân ở những hạng mục giải thưởng quen thuộc như Phim truyện xuất sắc nhất; Phim ngắn xuất sắc nhất; Đạo diễn phim truyện xuất sắc nhất; Diễn viên nam chính xuất sắc nhất; Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất; Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài; Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn; Giải mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC)... Đặc biệt, UBND TP Hà Nội có giải cho đạo diễn hoặc bộ phim xuất sắc về đề tài Hà Nội.
“Hoa nhài”, bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, sản xuất năm 2022, được chọn trình chiếu khai mạc LHP, đây cũng là bộ phim Việt Nam duy nhất được chọn tham gia dự thi hạng mục phim truyện dài của LHP, cùng với 10 bộ phim khác. “Bộ phim là những lát cắt về cuộc sống, con người Hà Nội. Với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, tinh tế, nhuần nhị, phim đã ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Hà Nội...”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đánh giá.
Trong 5 ngày, Haniff VI đã mang đến cho khán giả Thủ đô một LHP hoành tráng, chất lượng với 123 tác phẩm của hơn 56 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Trong đó có phim của nhiều nước có nền điện ảnh phát triển với 11 bộ phim dài, 20 phim ngắn tham gia dự thi; 7 phim trong chương trình tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc; 63 phim trong chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới và 22 phim Việt Nam đương đại. Trong đó, nhiều bộ phim đã giành các giải thưởng quan trọng tại các LHP quốc tế danh tiếng như: Phim “Năm 1976” (Chile và Argentina) được đề cử máy quay vàng dành cho Phim đầu tay xuất sắc, LHP Cannes 2022; Phim “Vợ của người du mục” (Úc) được Giải thưởng lớn của Ban Giám khảo LHP châu Á - Thái Bình Dương; Phim “Tình bạn” (Bỉ) được giải Grand Prix, LHP Cannes 2022; Phim “107 bà mẹ” (Slovakia) được giải thưởng Horizons Kịch bản xuất sắc, LHP Venice 2021; Phim “Hiện tượng John Denver” (Philippines) được giải Phim hay nhất, giải NETPAC, giải Nam chính xuất sắc, giải Biên tập xuất sắc và giải Âm nhạc xuất sắc tại LHP độc lập Cinemalaya; Phim “Chiếc hộp” (Mexico) được đề cử Giải Sư tử vàng tại LHP quốc tế Venice lần thứ 78, năm 2021...
Việt Nam giành 2 giải
Điện ảnh Việt có 1 tác phẩm phim dài, 1 phim truyện ngắn; 5 phim hoạt hình và 4 phim tài liệu tham dự liên hoan. Hai bộ phim Việt Nam: “Khu rừng của Páo” nhận giải Phim ngắn xuất sắc nhất và “Bố già” giành giải Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất.
Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt, tác giả phim “Khu rừng của Páo”, chia sẻ niềm vui và vinh dự khi nhận được giải thưởng này: “Khu rừng của Páo” được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật. Chuyện phim kể về Páo. Miễn cưỡng lấy vợ từ nhỏ theo phong tục người H’Mông, Páo lớn lên, lần đầu biết yêu. Chàng trai Páo liên tục lạc giữa hai lựa chọn tình yêu cá nhân và trách nhiệm gia đình.
Giải Phim Việt Nam được khán giả yêu thích được trao cho bộ phim “Bố già” do Công ty cổ phần phim Hoan Khê, Công ty cổ phần phim Thiên Ngân sản xuất. Bộ phim đã nhận được giải Bông sen Bạc, Kịch bản xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 22. Bộ phim đã phát hành tại Mỹ và là đại diện Việt Nam tham dự Oscar 2022.
Các giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Phim dài xuất sắc nhất cho bộ phim “Paloma” của Brazil. Bộ phim do Marcelo Gomes làm đạo diễn. Phim kể về cuộc sống của cô gái tên Paloma; Giải thưởng của BGK thể loại phim dài được trao cho “Người phụ nữ trên tầng áp mái” của điện ảnh Ba Lan và Thụy Điển; Giải đạo diễn phim dài xuất sắc nhất được trao cho đạo diễn Hamid Reza Ghorbani với bộ phim “Ghép tủy” của Iran; Giải Nữ diễn viên chính phim dài xuất sắc nhất được trao cho nữ diễn viên Kika Sena với vai diễn Paloma; Giải Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất đã được trao cho dàn diễn viên trong bộ phim “Maariya” của Srilanka; Giải Mạng lưới khuyến khích phát triển điện ảnh châu Á (Netpac) được trao cho phim “Kẻ phản diện” của Philippines và phim “Ghép tủy” của Iran; Giải cho đạo diễn và bộ phim xuất sắc về đề tài Hà Nội được trao cho NSND Đặng Nhật Minh với bộ phim “Hoa nhài”; Giải đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất cho đạo diễn Surya Shahi của Nepal với tác phẩm “Những bánh xe buýt”; Giải đạo diễn trẻ triển vọng cho phim ngắn đã thuộc về đạo diễn Trương Thế Thiện với phim “Hành lang ký ức” của Liên bang Nga; Giải nhất của Chợ dự án được trao cho tác phẩm “Chúa đất” của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn. Giải của BGK Chợ dự án phim dành cho tác phẩm “Cha Cha Cha” của đạo diễn Đỗ Quốc Trung.
“Haniff cần xây dựng bản sắc riêng”
Đó là ý kiến của nhà phê bình điện ảnh, giám khảo Haniff VI, ông Max Tessier, khuyên Việt Nam xây dựng LHP quốc tế Hà Nội có bản sắc, đặc trưng riêng cho mình trên con đường tồn tại và phát triển trong tương lai. Không nên cố bắt chước để trở thành bất cứ tên tuổi lớn nào đã đạt được thành công trước đó, mà hãy đi xây dựng căn cước của chính mình. “Với những liên hoan phim như HANIFF, các bạn nên tập trung vào xây dựng danh tính, bản sắc riêng của mình, không phải cố gắng để cạnh tranh với các liên hoan phim lớn như Tokyo, Busan hay những bộ phim tốt nhất”, nhà phê bình Max Tessier nói.
Hiện nay, trong khu vực có Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) được coi là LHP lớn nhất tại châu Á và đã nổi tiếng thế giới. Theo đánh giá của ông Tessier, LHP Tokyo, Hong Kong... cũng đều đã là các tên tuổi lớn, đã vươn đến tầm quốc tế, có khả năng tài chính đủ để tạo nên một LHP hoành tráng và thu hút nhiều tác phẩm-tác giả nước ngoài.
“Haniff VI có bộ phim của Myanmar làm về những ảo ảnh giữa thực và mơ của một nhà biên kịch; khác biệt với phim của Sri Lanka về người đàn ông làm nghề đánh cá trên biển tranh nhau một thứ “đồ chơi người lớn”; hay bộ phim từ Ấn Độ vô cùng đậm chất thơ văn... Điều đó là rất tốt. Tôi cho rằng liên hoan phim cần có sự đa màu sắc như vậy”, ông Tessier điểm qua một số phim đã xem./.