Tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đa dạng, đặc sắc, là vùng đất có lịch sử lâu đời cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú. Đây là lợi thế lớn cho việc phát triển du lịch cộng đồng.
Du lịch cộng đồng - “mỏ vàng” của ngành du lịch Kon Tum
Những năm trước đây, du khách thường bỏ qua Kon Tum khi lựa chọn du lịch Tây Nguyên, bởi họ cho rằng nơi đây không có gì khám phá, không có gì để níu chân du khách. Nguyên nhân là sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu, chưa có sự liên kết để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt; các dịch vụ du lịch như tham quan, giải trí còn hạn chế, chưa đủ sức hút với du khách.
Vài năm trở lại đây, Kon Tum nổi lên trên bản đồ du lịch với sức hấp dẫn mạnh mẽ nhờ nhiều điểm đến hoang sơ, những lễ hội truyền thống nhiều màu sắc, nghề tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, ẩm thực đặc sắc, kiến trúc làng độc đáo, nhà rông, nhà nguyện, giao lưu văn hóa cồng chiêng và nhiều tour khám phá thiên nhiên gắn với dòng Đắk Bla huyền thoại… là đặc sản của loại hình du lịch cộng đồng tỉnh Kon Tum.
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Kon Tum được đón tiếp bởi những người dân hiền lành, thật thà, thân thiện, mến khách cùng tính cách khoáng đạt của đồng bào Tây Nguyên, nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp.
Anh A Kâm, Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, xã Đắk Rơ Wa chia sẻ: “Hiện nay, làng Kon K’tu có 146 hộ thì đến hơn 40% bà con tham gia làm du lịch. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phòng nghỉ, thiết kế các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm hấp dẫn như: Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đắk Bla… nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng”.
Không chỉ phát triển tại Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, trong những năm qua, du lịch cộng đồng được tỉnh Kon Tum quan tâm triển khai mạnh mẽ tại các làng: Kon Klor, làng Kon Jơ Dri (thành phố Kon Tum); Kon Pring (thị trấn Măng Đen), Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông); Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà)… Du lịch cộng đồng đã có sự tham gia, chung tay của người dân. Các mô hình phát triển du lịch cộng đồng dựa vào cộng đồng, do cộng đồng làm chủ, mang lại sinh kế mới tạo thu nhập cho người dân.
Chị Y Hân, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo cho biết, ngày trước, rất nhiều thứ mình làm ra chỉ để dùng trong gia đình, bây giờ phục vụ khách du lịch mua làm quà nên bà con cũng có thêm tiền trang trải cuộc sống. “Một tấm khố, áo, váy thổ cẩm… dệt bán ra thị trường có giá từ 500.000 - 700.000 đồng; rượu cần giá từ 200.000 - 400.000 đồng/ghè; mô hình nhà rông, nhạc cụ dân tộc từ 300.000 - 800.000 đồng/sản phẩm. Mỗi lần du khách tới làng, chúng tôi đều giới thiệu các sản phẩm truyền thống của dân tộc”, chị Hân chia sẻ.
Các làng du lịch cộng đồng ở Kon Tum đang phát triển theo mô hình tổ phục vụ, như: tổ phục vụ du khách tham quan, tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ, tổ cồng chiêng múa xoang, tổ ẩm thực... Trong đó, tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ được du khách lựa chọn để trải nghiệm các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng của đồng bào DTTS bản địa.
“Du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
|
“Mỗi lần khách du lịch chọn trải nghiệm đan và mua đồ đan lát làm quà lưu niệm thì chúng tôi rất vui mừng. Bởi vì như vậy vừa có thể quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na, vừa giúp bà con chúng tôi có thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi lần khách trải nghiệm, chúng tôi sẽ nhận được từ 200.000 - 500.000 đồng. Còn sản phẩm đan lát bán cho khách có giá từ 300.000 - 1.000.000 đồng/tùy sản phẩm”, ông A Mơ, tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ làng Kon Jơ Dri, cho hay.
Theo ông A Mơ, các homestay tại làng Kon Jơ Dri đều được thiết kế độc đáo từ vật liệu tự nhiên, trang trí thêm các tượng gỗ dân gian của dân tộc Ba Na. Mỗi lần khách tới lưu trú đều thích thú và tò mò. Bên cạnh đó, ở homestay còn liên kết với tổ cồng chiêng múa xoang của làng, khi khách du lịch có nhu cầu thưởng thức không gian cồng chiêng thì chủ homestay sẽ tập trung các đội biểu diễn. Mỗi lần diễn sẽ có giá từ 2.000.000 - 2.500.000 đồng. Như vậy, mỗi thành viên trong tổ cồng chiêng múa xoang sẽ nhận thù lao từ 100.000 - 200.000 đồng/lượt diễn, tăng thêm thu nhập cho nghệ nhân.
Văn hóa bản địa là gốc rễ để phát triển du lịch cộng đồng
Xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, trong phát triển du lịch là cơ hội để đồng bào thoát nghèo, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án như: Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và Rơ Măm; tổ chức “Tuần lễ văn hóa - du lịch” (định kỳ 2 năm một lần) với các hoạt động như trình diễn âm nhạc cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống, ẩm thực và tổ chức Hội thi cồng chiêng, múa xoang các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, giá trị của di sản văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã mang lại nguồn trợ lực quan trọng để Kon Tum đầu tư phát huy thế mạnh văn hóa, du lịch.
Theo thống kê, tỉnh Kon Tum đã phục dựng 33 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả của người Rơ Măm, lễ cúng làng của người Brâu, lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng, lễ cầu an của người Gia Rai... Ngoài ra, các câu chuyện sử thi, bài ca dao, dân ca, truyện cổ cũng được sưu tầm và tư liệu hóa, xuất bản thành các ấn phẩm để phổ biến lại trong cộng đồng.
Thích thú với những trải nghiệm khi tham gia tour du lịch cộng đồng tại Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, anh Ðình Huy, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Trở lại Kon Tum sau nhiều năm, chứng kiến sự thay da đổi thịt của người dân địa phương, được hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa của người nơi đây thật khác biệt. Mình đã được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, chiêm ngưỡng điệu xoang, tìm hiểu về cách dệt thổ cẩm, làm nhà rông truyền thống… Ðược hòa mình với không gian văn hóa nơi đây thật tuyệt vời”./.