Tại cuộc họp về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ và kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, nhờ biện pháp xử lý cương quyết sai phạm, thị trường chứng khoán, trái phiếu... đã dần dần ổn định.
Cụ thể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã định hình được các công việc cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị, phân loại vướng mắc để xử lý.Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại khi VN-Index đã chinh phục lại mốc 1000 điểm sau một tuần tăng hơn 100 điểm, thanh khoản thị trường trở lại mức 20 - 24 ngàn tỷ đồng sau một thời gian chỉ loanh quanh ở mức hơn 10.000 tỷ đồng. "Các vấn đề đột xuất, phức tạp được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả" - Thủ tướng nhận xét.
Theo đánh giá của Thủ tướng, thị trường tài chính, bất động sản, tiền tệ thời gian qua có nhiều bất ổn một phần quan trọng là do tác động tiêu cực và đầy biến động của kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là trong vấn đề điều hành tiền tệ. Trong nước, sau hơn hai năm chống dịch, khả năng chống chịu của nền kinh tế, của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bào mòn; chúng ta phải đối phó với các cú sốc lớn từ bên ngoài, hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế.Mặc dù vậy, các biện pháp chấn chỉnh thị trường vẫn là "việc phải làm", dù biết rằng sẽ có tác động nhất định tới tâm lý nhà đầu tư cũng như hoạt động của thị trường. Mục tiêu quan trọng là bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, của các chủ thể liên quan.
Khách quan nhìn nhận, việc chấn chỉnh thị trường tài chính - tiền tệ - bất động sản, chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Cụ thể là thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn nhiều bất ổn, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, thanh khoản thấp, tâm lý nhà đầu tư hoang mang.
Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng đó là phản ứng tiêu cực nhất thời. Nếu như các cơ quan quản lý quyết tâm xử lý mạnh tay, nhất quán theo đúng quy định của pháp luật, thì các chiêu trò làm giá, thổi giá, bán trái phiếu doanh nghiệp ba không hoặc xây dựng giá chứng khoán ảo, bán chui...sẽ dần bị loại bỏ. Mạnh tay, nhất quán không phải chỉ với doanh nghiệp, mà còn phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khi để xảy ra tình trạng này. Bởi lẽ, việc doanh nghiệp có thể dễ dàng "qua mắt" hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước không khác gì "con voi chui lọt lỗ kim". Khi việc thanh lọc thị trường được tiến hành đồng bộ, nhất quán, đúng pháp luật thì tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định, ngay cả khi có những biến động như tăng giảm của thị trường chứng khoán, hay bắtchủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật...cũng không gây ra hiệu ứng tiêu cực quá lớn./.