Hạt Kiểm lâm đã biết rõ: Bạch Văn Lâm là người thuê mướn phương tiện xe cơ giới máy đào bánh xích san ủi để làm đường vận xuất lâm sản (gỗ) giá tiền là 4.000.000 đồng, nhưng lại chưa xác định được phương tiện là của ai và người điều khiển phương tiện hiện nay ở đâu(?).
Tại hiện trường, người dân đã chụp được hình ảnh cận mặt người đang điều khiển xe cuốc bánh xích gửi các cơ quan chức năng(!?). Tiếp tục, Lâm thuê 01 người đàn ông và 01 người phụ nữ, cưa hạ cây và cắt thành nhiều lóng ngắn với giá tiền là 3.000.000 đồng. Sau đó Lâm thuê phương tiện là ô tô tải có gắn cẩu biển kiểm soát 51D-489.85 vận chuyển một số lóng gỗ về ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh với giá tiền là 4.500.000 đồng. Lâm đã bán cho người ở đất liền 12,8m3 gỗ tròn với giá tiền 7.500.000 đồng/m3… Và Hạt Kiểm lâm cũng chưa xác định được rõ nhân thân những người này là ai, hiện tại ở đâu(?).
Còn trong đơn ông Ngô Hoàng P tố giác: "...Khi cán bộ Kiểm lâm có mặt tại hiện trường đã đo đạc định lượng gỗ thì thấy đã hạ 13 cây, trong đó có Dầu và Vên Vên, ước tính số gỗ còn lại khoảng 26m3 chưa kịp vận chuyển, có đường kính hơn 1m. Số gỗ chuyển đi thì được một người tên là Tài có xưởng cưa tại Bãi Vòng mua lại, ước tính số gỗ ông Tài vận chuyển mua trên 50m3".
Nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia và Hạt Kiểm lâm TP.Phú Quốc không xác minh, điều tra tận gốc người lái xe bánh xích phá nát rừng đặc dụng, san ủi làm đường đi - gây biến dạng rừng đặc dụng này? Và những người (ông Lâm thuê) chặt hạ nhiều cây rừng với khối lượng lớn và cả những người vận chuyển, mua bán - tẩu tán tang vật phi pháp(!?)
Ngoài số gỗ tròn Lâm đã bán cho người ở đất liền 12,8m3, số gỗ còn lại Bạch Văn Lâm để tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh 05 lóng gỗ tròn, loại gỗ Dầu, có tổng khối lượng là 6,348m3 đã bị thu giữ. Tại hiện trường, các cơ quan chức năng thu giữ thêm 07 lóng gỗ tròn, có tổng khối lượng là 16,695m3 và 09 gốc cây (trong đó có 05 gốc đã bị đào lên trên mặt đất), tổng trọng lượng = 5.000kg - Bảng kê tọa độ gốc cây, Bản kê tọa độ hố đất bị đào đã được xác lập. Đến nay, tổng số gỗ Hạt Kiểm lâm mới thu giữ được 23,043m3 gỗ tròn của 2 địa điểm (tại xã Hàm Ninh và tại hiện trường)? Vậy số gỗ 12,8m3 (Lâm bán cho người ở đất liền) và số gỗ ước tính 50m3 người tên Tài có xưởng cưa tại Bãi Vòng, xã Hàm Ninh mua và vận chuyển (Đơn tố giác của ông Ngô Hoàng P) sao không được Hạt Kiểm lâm VQG xác minh làm rõ và thu giữ(?)
Thêm điều bất thường là, trong "Bảng kê thu giữ lâm sản" có 8 khúc gỗ tròn thu giữ tại hiện trường có đường kính lớn nhất là 76,5cm, nhỏ nhất 50,5cm; Và số gỗ thu hồi tại xã Hàm Ninh (nơi Bạch Văn Lâm cất giữ) đường kính lớn nhất cũng chỉ 69cm, nhỏ nhất 43cm. Như vậy, có thể khẳng định rằng, Hạt Kiểm lâm mới chỉ thu giữ được số gỗ tròn trong vụ này hầu như là phần ngọn của những thân cây lớn mà Bạch văn Lâm chặt hạ. Bởi thực tế, các gốc cây Hạt Kiểm lâm đã thu giữ có đường kính 1m và những gốc cây nhóm P.viên đến hiện trường chụp ảnh, ghi hình, định vị tọa độ từng gốc cây bị chặt phá thì đa số các gốc cây này có đường kính từ 80cm đến 1,2m (!?) Qua đó cho thấy, phần lớn khối lượng gỗ này Bạch Văn Lâm đã tẩu tán bán cho người khác. Theo nhận định của một cán bộ Kiểm lâm cho biết, loại gỗ Dầu hay Vên Vên mọc ở rừng Phú Quốc mà có đường kính 80cm thì thân cây này phải có tuổi đời 40 năm; còn cây có đường kính từ 1,2m đến 1,5m phải là 60 - 70 năm tuổi; Chiều dài mỗi cây từ 18m đến 25m, có khối lượng khoảng hơn 10m3/1 cây; Mỗi gốc cây 1500kg đến 2500kg, còn phụ thuộc cây ở vùng Bắc đảo hay Nam đảo.
Từ những căn cứ trên, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc không nên vội gửi văn bản yêu cầu đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố Phú Quốc và Hội đồng định giá tài sản TP.Phú Quốc yêu cầu xác định giá trị tài sản gồm 13 lóng gỗ tròn, có tổng khối lượng = 23,043m3, là loại cây: Vên vên, Dầu và 06 gốc cây, có tổng trọng lượng 5.000kg loài cây: Dầu để làm căn cứ xử lý.
Thêm một vấn đề nữa, nếu đoàn kiểm tra liên ngành xác định trên thửa đất sổ đỏ của ông Trương Duy Công có 01 gốc cây Dầu đã đưa lên trên mặt đất tại sao lại thu giữ(?).
Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc gửi yêu cầu số 35/YC-HKLVQG đến Vườn Quốc gia Phú Quốc yêu cầu xác định vị trí, diện tích vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường ngày 07/11/2022, nằm trong hay ngoài ranh rừng, cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng hiện nay đối với vị trí khai thác nêu trên theo những văn bản pháp lý nào để làm căn cứ xử lý.
Vườn Quốc gia Phú Quốc có Công văn số 637/VQG-PQLBV&PTR về việc cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ việc, vụ án đang xác minh, điều tra xác định: 09 (Chín) vị trí cây bị cưa hạ gồm G1; G2; G3; G4; G5; G6; G7; G8 và G11 theo Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường ngày 07/11/2022 của Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc thuộc loại gỗ rừng tự nhiên tại tiểu khu 66, ấp Suối Cát, xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nằm trong diện tích được quy hoạch là đất rừng đặc dụng.
Thế nhưng, Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc lại nhân định: "...Hành vi phạm tội đối với vụ việc nêu trên không thuộc rừng sản xuất, rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng". Nhưng lại khẳng định: "Ông Bạch Văn Lâm khai thác và vận chuyển lâm sản là hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự". Vì Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc đã xác định được chủ thể bị xâm hại trong vụ việc này, qua đó xét thấy đây là vụ việc liên quan đến hành vi hủy hoại tài sản, thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Phú Quốc.
Ông Trần Thành Được - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG - Tổ công tác đặc biệt là đơn vị trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Vị trí ông Lâm khai thác không nằm trong diện tích đất của VQG nên không thể đề nghị khởi tố về tội danh "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và Lâm sản". Vị trí này thuộc quản lý của UBND xã, nên chuyển tội danh và gửi Hồ sơ sang cơ quan CSĐT đề nghị khởi tố Hình sự về tội "Hủy hoại tài sản". Đây là vụ việc phức tạp, Hạt Kiểm lâm đã đề nghị Viện Kiểm sát TP.Phú Quốc ra hạn để có thêm thời gian điều tra".
Tổ công tác Đặc biệt thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc xác định 09 cây bị chặt hạ, nhưng mới chỉ thu giữ được 23,043m3 gỗ, số lượng lớn gỗ còn lại chưa được làm rõ là khó chấp nhận. Nếu chỉ tính 09 cây gỗ này, thì bình quân của 01 thân cây gỗ lớn (bị thu giữ) đã hơn 10m3/01 cây. Vậy, còn hơn 70m3 gỗ nữa đang nằm ở đâu(?).
Thêm một điều bất thường là ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc VQG Phú Quốc gửi văn bản cho Tổ công tác đặc biệt để làm căn cứ điều tra, xác minh khẳng định: vị trí 09 cây bị chặt hạ nằm trong diện là đất rừng đặc dụng, và trong Giấy CNQSD đất cấp cho VQG theo Quyết định 794/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh Kiên Giang; Còn văn bản gửi Báo TNVN thì vị Giám đốc VQG Phú Quốc này lại nói khác: "Khu vực 13 cây rừng bị khai thác không nằm trong diện tích rừng đặc dụng do Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý… Nằm ngoài VQG theo Quyết định 794/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh Kiên Giang.
Sự "bất nhất" này của ông Giám đốc VQG Phú Quốc - Nguyễn Văn Tiệp càng cho thấy rõ vị Giám đốc này đã lập lờ làm cho Tổ công tác Đặc biệt thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc khó xác định số cây bị chặt hạ là thuộc Vườn Quốc gia hay nằm ngoài VQG.
Nhóm phóng viên Báo TNVN