Chứng khoán, trái phiếu có còn hấp dẫn?

Khoảng 2 tháng nay, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhè nhẹ. Chỉ số VN-Index vẫn cầm cự được trên 1000 điểm.

 

Khoảng 2 tháng nay, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhè nhẹ. Chỉ là "nhè nhẹ" thôi, bởi thị trường vẫn có những chuỗi giảm điểm kéo dài 1 - 2 tuần, nhưng chỉ số VN-Index vẫn cầm cự được trên 1000 điểm.

Vào thời kỳ đỉnh điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 12.2021, nhà đầu tư cá nhân mở mới tới hơn 226.500 tài khoản chứng khoán. Vào cuối năm 2021, có thời điểm, VN-Index lên tới xấp xỉ 1500 điểm - một chỉ số trong mơ với thị trường chứng khoán còn non trẻ (mới 21 năm) ở một xã hội vẫn giữ thói quen tiêu dùng tiền mặt. Thế nhưng, khi mặt trái của thị trường chứng khoán bị phanh phui, những bất cập bộc lộ, các cá nhân vi phạm pháp luật bị bắt, thị trường lao dốc không phanh, có thời điểm chỉ còn hơn 800 điểm và nhiều người đã lo tới việc chứng khoán quay lại thời kỳ tệ hại nhất (giai đoạn 2008) khi chỉ số không quá 800 điểm. Đó là chưa kể, lãi suất huy động tăng đột biến lên tới 9,5% ở nhiều ngân hàng, số còn lại cũng dao động từ 9% - 9,4% khiến những nhà đầu tư chứng khoán đã mất một nửa số vốn bỏ ra cảm thấy không còn mặn mà nữa. Đó là lý do số tài khoản chứng khoán mở mới tháng 4 vừa qua thấp nhất trong lịch sử 3 năm, chỉ có hơn 22.700 tài khoản, bằng 1/10 tháng cao điểm.

Phiên 8/5/2023, nhiều cổ phiếu tăng giá

Tương tự, sau hai năm tăng trưởng nóng 2020 và 2021 với số vốn đổ vào trái phiếu doanh nghiệp theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam lần lượt là gần 462.000 tỷ đồng và 658.000 tỷ đồng, tháng 4 vừa qua cũng chỉ có duy nhất một lô trái phiếu được bán ra với tổng số vốn là 671 tỷ đồng, chỉ bằng 2,25% so với cùng kỳ 2022 và 2,5% so với tháng 3/2023. Đây là một con số bất thường, bởi sau những phản ứng tiêu cực của thị trường khi những kẻ vi phạm bị xử lý, Chính phủ và các Bộ ngành đã tìm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, như Nghị định 08 vừa ban hành đầu tháng 4/2023.

Sàn UPCoM vẫn còn sức hút

Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có còn hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân? Câu trả lời là: Nếu như nhà đầu tư cá nhân tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết về đầu tư tài chính, pháp luật; phân biệt rõ đầu tư chứng khoán hay mua trái phiếu doanh nghiệp không phải là gửi tiết kiệm nên không chỉ nhìn vào lãi suất; chịu khó tìm hiểu về doanh nghiệp, sản phẩm mình định đầu tư; chấp nhận "lời ăn lỗ chịu" theo đúng tinh thần đầu tư... đồng thời Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục thực hiện các chính sách gỡ khó cho thị trường, nhất là giảm lãi suất, khoanh nợ, hoãn nợ... thì chẳng có lý do gì phải ngần ngại cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Trái lại, nếu có điều kiện tài chính nên tích lũy để bán khi thị trường dần hồi phục, bởi giới chứng khoán vẫn hay nói: "Đỏ (giảm giá) không mua thì xanh (tăng giá) lấy gì bán?". Đầu tư tài chính không bao giờ là việc dễ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận