Giá vàng miếng thế giới tăng mạnh đã kéo giá vàng trong nước tăng cao sau một thời gian dài trầm lắng. Nhìn vào biểu đồ giá vàng từ tháng 8 năm 2023 đến nay, có thể thấy giá vàng SJC từ mốc 67.400.000 đồng/lượng ngày 7/8/2023 lên mức 71.000.000 đồng/lượng ngày 14/10/2023 rồi lại xuống 69.800.000 đồng/lượng ngày 7/11/2023. Còn trong suốt 3 năm qua, kể từ năm 2020, giá vàng SJC liên tục biến động và ngày càng khó kiểm soát. Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu hoành hành, giá vàng bị ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh, các yếu tố chính trị, xã hội cũng như nền kinh tế trên toàn cầu. Giá trị tiền tệ giảm khiến người dân đổ xô mua vàng để tìm nơi trú ẩn cho tài sản của mình. Giá vàng tăng nhanh, tăng liên tục, đạt đỉnh vào ngày 9/8 ở mức 60.320.000 đồng/lượng với giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới 4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Sang đến năm 2021, sự thất thường của giá vàng càng rõ rệt hơn, nhưng bình quân giá vàng trong năm 2021 giảm khoảng 6 triệu đồng/lượng. Đây là hậu quả của các yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh, lạm phát và tác động chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Đồng thời, giá vàng cũng chịu tác động khi đồng USD tăng giá trên 7% so với các đồng tiền dự trữ khác. Đáng chú ý là chênh lệch giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới lên đến 12 triệu đồng/lượng. Diễn biến này cũng tương tự ở năm 2022 và cả 10 tháng của năm 2023, trong đó đáng chú ý là giá vàng SJC đã vượt ngưỡng 71.000.000 đồng/lượng.
SJC là thương hiệu vàng quốc gia tiếp tục duy trì giá ở mức cao và chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới, có thời điểm đã chênh tới 20 triệu đồng/lượng, cũng có nghĩa là chênh lệch với các thương hiệu vàng khác trong nước ở mức tương đương (gần 20 triệu đồng/lượng). Câu hỏi đặt ra là cùng một tuổi vàng, cùng một quy cách, vì sao giá vàng SJC lại quá chênh lệch với giá thế giới và giá vàng nhẫn của các thương hiệu khác trong nước? Rõ ràng ở đây không có sự chênh lệch quá nhiều về chất lượng đến mức có thể tạo ra sự khác biệt hoàn toàn. Còn phía SJC lý giải vì không được nhập khẩu vàng để chế tác thêm vàng nên khi nhu cầu tăng quá mạnh giá sẽ phải tăng theo. Tuy nhiên, cùng với việc tăng giá quá mạnh thì vàng SJC cũng có những cú giảm giá đột ngột khiến người sở hữu vàng trở tay không kịp.
Chúng ta đã thành công trong việc chống "vàng hóa nền kinh tế" bằng việc không coi vàng như một tài sản thanh toán, mọi giao dịch đều phải được thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam. Nhưng khi đã thành công thì cần xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng, tránh cứng nhắc và tạo ra độc quyền ở một mặt hàng không có gì đáng phải độc quyền. Bởi vàng được coi là một tài sản đảm bảo với người dân - như thông lệ quốc tế. Do đó nếu không kiểm soát tốt thì dù không còn nằm trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, biến động giá vàng vẫn gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị đồng tiền Việt Nam và không có lợi cho nền kinh tế.
Cần thanh tra việc thực hiện Nghị định 24/2012 để tránh thao túng giá vàng./.