Thị trường vàng vẫn chờ quyết sách bình ổn

Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng miếng với giá chỉ định cho 4 ngân hàng TMCP quốc doanh lớn là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank để bình ổn thị trường vàng

 

Tối 27/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết dừng đấu thầu vàng miếng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng miếng với giá chỉ định cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh lớn (Big4) là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank để phân phối cho người dân, bình ổn thị trường vàng, dự kiến từ ngày 3/6.

Sự kém hiệu quả của phương pháp đấu thầu vàng có thể nhìn thấy ngay khi thị trường vàng phản ứng sau mỗi phiên đấu thầu. Đấu thầu vàng được kỳ vọng có tác dụng ổn định thị trường vàng, giảm những bất cập do phương thức quản lý không còn phù hợp thực tiễn mang lại, đơn cử như mức chênh lệch tới 20 - 25% giá trị của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới quy đổi cùng thời điểm (không kể thuế phí). Đây là mức chênh không có cơ sở thực tế, thế nhưng, giá khởi điểm của Ngân hàng Nhà nước luôn luôn cao hơn giá mua vào của phiên trước đó, như một sự ngầm công nhận sự chênh lệch vô lý kia.

Đấu thầu vàng miếng cho thấy hiệu quả không cao

Thêm vào đó, nếu coi sự chênh lệch cao giữa giá trong nước và giá thế giới, giữa giá vàng miếng và vàng nhẫn, giữa giá mua vào và bán ra là hệ quả tất yếu của câu chuyện cầu vượt cung, thì việc cần làm là tăng nguồn cung giá thấp hơn (nếu có) để kéo giá xuống theo đúng quy luật thị trường, chứ không thể chỉ đưa ra một số lượng vàng nhỏ giọt với giá không đủ sức ghìm đà tăng phi mã.

Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thì cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu. Giá khởi điểm cao nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn.Cần tính đúng, tính đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.

11 năm trước, 11 phiên đấu thầu vàng với hơn 1,8 triệu lượng vàng được bán ra đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp thị trường vàng ổn định trong một thời gian dài. Nhưng bây giờ khác, đòi hỏi những phương án, giải pháp và quyết sách khác.

Đấu thầu vàng không như hàng hóa khác

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - một trong những giải pháp chúng ta cần cân nhắc kỹ là mở sàn giao dịch vàng như cách mà nhiều quốc gia đang làm hiện nay, và Việt Nam cũng đã áp dụng với một số ngành hàng. Và, cần xác định rõ cơ quan chủ quản của sàn vàng là cơ quan nào? Nếu coi vàng là một loại tiền tệ có giá trị thanh toán (điều này đi ngược lại mục tiêu của Nghị định 24/2012 là chống vàng hóa nền kinh tế) thì cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước, nơi quản lý tất cả các loại hình tiền tệ được phép lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam. Còn nếu coi vàng là hàng hóa như mọi loại hàng hóa khác (nông sản, kim loại, bông vải sợi...) thì Bộ Công Thương sẽ quản sàn vàng và sàn vàng phải hoạt động theo quy định được áp dụng với các loại hàng hóa khác.

Thị trường vàng, vì thế, vẫn đang chờ quyết sách bình ổn thực sự phát huy được hiệu quả./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận